ThienNhien.Net – Sở hữu rất nhiều điểm đặc biệt như cơ thể dẹt, màu sáng bạc, không có vảy, sống ở độ sâu hơn 1000m… nhưng điều khiến người ta nhớ nhất về cá Oarfish vẫn là đặc trưng “dài nhất thế giới” với kỷ lục từng được Sách Guinnes ghi nhận lên tới 17m.
Oarfish còn được gọi với cái tên khá thân quen – cá mái chèo, đây cũng là tên thường gọi cho các loài cá thuộc họ Regalecidae, một trong những nhóm cá bí ẩn nhất đại dương. Tên của chúng bắt nguồn từ tiếng Latin, regalis có nghĩa là hoàng gia (royal).
Họ cá này chỉ có 4 loài, gồm Agrostichthys parkeri (Benham, 1904); Regalecus glesne (Ascanius, 1772); R. kinoi (Castro-Aguirre, Arvizu-Martinez & Alarcon-Gonzalez, 1991) và Regalecus russelii (Cuvier, 1816), đều là những loài quý hiếm và rất khó bắt gặp trong tự nhiên.
Hình dạng cơ thể của chúng rất kỳ lạ, thường dài và rất dẹt, không có vảy, màu sắc sáng bạc dọc hai bên thân nhưng khi chết thì chuyển dần sang màu xanh dương điểm thêm các đốm hoặc sọc màu đen.
Vây lưng (khoảng 400 tia vây) của chúng có màu vàng hoặc đỏ khá nổi bật, chạy dài dọc sống lưng; vây ngực tiêu giảm mạnh chỉ còn một mấu nhỏ nằm ở mặt dưới cơ thể; vây gần hậu môn hoàn toàn biến mất và vây đuôi cũng bị tiêu giảm, thậm chí biến mất hoàn toàn ở một số loài.
Miệng của các loài Oarfish có cấu tạo như một chiếc mỏ lồi ra ngoài và không có răng. Trong khi đó, phần đầu của chúng “mọc” từ 8-10 sợi vây màu đỏ, dài, chụm lại tạo thành một chiếc mào tựa như một vương miện; phần dưới đầu ở gần mang lại có thêm hai sợi vây đỏ, dài, mảnh, tạo nên vẻ uy nghi rất đặc trưng của loài cá này.
Thêm một điểm đặc biệt về cấu tạo hình thể của cá Oarfish là cả bốn loài đều không có bong bóng khí như ở những loài cá khác.
Riêng các loài trong họ Regalecidae đều có kích thước cơ thể rất lớn. Sách Kỷ lục Guinnes từng ghi nhận loài cá dài nhất thế giới là một con Regalecus glesne có tổng chiều dài cơ thể lên tới 17m, nặng 272 kg.
Một con Regalecus glesne khác cũng rất nổi tiếng với tên gọi “Queen of Nagas” (Nữ hoàng rắn biển) được in đầy rẫy ở các quán bar, nhà hàng, chợ ở thủ đô Viên, Lào và thành phố Phnôm Pênh, Campuchia có chiều dài lên tới 7,8 m. Tuy nhiên, con cá này thực tế không phải được bắt ở sông Mê Kông như những lời quảng cáo đồn thổi mà được đội lính thủy Mỹ phát hiện ở Coronado, bang California, Mỹ.
Mặc dù là loài cá lớn song Oarfish không được đánh giá cao trong việc sử dụng làm thực phẩm do thịt của chúng sền sệt như keo. Tuy vậy, chúng lại có giá trị thương mại rất lớn nhờ mức độ quý hiếm và ngày càng trở thành mục tiêu săn bắt của ngư dân. Song, vì ẩn mình dưới đáy biển sâu nên loài cá này ít khi bị bắt sống, sự phân bố của chúng thường chỉ được ghi nhận thông qua các xác cá trôi dạt vào bờ.
Phạm vi phân bố các loài cá Oarfish tương đối rộng, được phát hiện tại nhiều nơi trên thế giới. Riêng tại Nhật Bản, sự xuất hiện của Oarfish còn được quan niệm như một điềm báo sắp xảy ra một trận động đất.
Tại Việt Nam, gần đây cũng ghi nhận một cá thể Oarfish (loài Regalecus glesne) dài 4m bị chết và trôi dạt vào bãi biển thuộc xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Tiếc là mẫu vật quý hiếm này đã không được lưu giữ để nghiên cứu.
Tuy có vóc dáng tương đối lớn nhưng cá Oarfish thường chỉ ăn các loài động vật phù du trôi nổi như giáp xác, tôm, cua nhỏ hoặc các loài cá nhỏ, mực. Trong khi đó, bản thân chúng lại trở thành mục tiêu của những kẻ săn mồi lớn, trong đó có cả loài cá mập vây trắng.