ThienNhien.Net – Nhằm khai thác tiềm năng tài nguyên thiên nhiên sẵn có để tiến tới một nền nông nghiệp sạch, năm 2011, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình đã giao cho Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học thực hiện đề tài “Nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học Rotenon từ cây họ Đậu (Fabaceae) để diệt và phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Mục tiêu trước mắt của đề tài là điều tra, xác định một số loài cây thuộc họ Đậu có khả năng chiết xuất Rotenon, bước đầu khoanh vùng nguyên liệu, tiếp đến chọn lọc những loài có hàm lượng Rotenon cao để xây dựng quy trình sản xuất chê phẩm Rotenon và chuyển giao công nghệ cho địa phương.
Về lâu dài sẽ tiến tới sản xuất thuốc trừ sâu sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ngay khi nhận được đề tài, TS. Lê Trần Chấn và các cộng sự thuộc Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học đã tiến hành khảo sát thực địa trên phạm vi toàn tỉnh, bước đầu xác định được 5 loài hiện có trong tự nhiên (cây cổ dải, cây kê huyết đằng núi, thàn mát, thàn mát thúy dài, móc diều) và 01 loài là cây trồng (củ đậu) có các bộ phận chứa Rotenon.
Trong đó, các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy và Mai Châu có thể là những địa phương cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc trừ sâu sinh học của tỉnh Hòa Bình trong tương lai.