ThienNhien.Net – Năm 1992, ngành khoa học tự nhiên và giới bảo tồn hân hoan đón nhận sự kiện Sách Đỏ Việt Nam lần đầu tiên được xuất bản. Sách Đỏ được ví như một bộ từ điển về các loài quý, hiếm của nước nhà, có thể tìm thấy trên giá tra cứu của bất cứ nhà nghiên cứu nào hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên. Cho đến nay, bộ Sách Đỏ đã được chỉnh sửa lần thứ ba và tái bản. Nếu lật giở những trang đầu tiên của cuốn sách bìa cứng được in trang trọng dòng tiêu đề Sách Đỏ Việt Nam – Phần I.Động vật, bạn sẽ bắt gặp dòng tên GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. Ông là một trong 73 tác giả của bộ sách và cũng là thành viên Hội đồng biên tập, là người chủ trì nhóm biên soạn phần nội dung về Thu.
– Thưa giáo sư, ý tưởng xây dựng Sách Đỏ Việt Nam xuất phát từ khi nào?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Nói về nguồn gốc Sách Đỏ thì ta nên nhìn lại thời kỳ trước giải phóng và lấy mốc 1964 khi Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới IUCN xây dựng Sách Đỏ Thế giới – một bộ danh sách được xây dựng một cách khoa học về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Lúc bấy giờ, nhiều nhà khoa học của ta được đào tạo ở các nước Đông Âu được tiếp cận với thông tin này nên họ đã ấp ủ ý tưởng biện soạn một cuốn sách tương tự về các loài động thực vật của Việt Nam. Tuy nhiên vì cả nước còn đang trong kháng chiến và vì điều kiện kinh tế khó khăn nên ý tưởng mới chỉ là phôi thai.
Cho tới sau năm 1980, Nhà nước mới thực sự nhận thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ sách như vậy và giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học thực hiện.
Năm 1992, Sách Đỏ Việt Nam phần Động vật được xuất bản, nhưng tới bốn năm sau mới cho ra mắt phần Thực vật. Đến giai đoạn 2000-2004, bộ sách này đã được tu chỉnh và soạn thảo lại cho phù hợp với các tiêu chuẩn mới của IUCN về tình trạng đe dọa của các loài trong tự nhiên nhưng chỉ ở dạng điện tử, không có bản in. Năm 2007, bộ Sách Đỏ Việt Nam do nhà xuất bản Khoa học tự nhiên thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam xuất bản , cùng với đó là cuốn Danh lục đỏ Việt Nam giới thiệu về các loài quý hiếm, loài có nguy cơ bị đe doạ ở nước ta..
– Là thành viên của nhóm tác giả, giáo sư đánh giá ra sao về giá trị và ý nghĩa của các bộ sách này?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Sách Đỏ là tài liệu khoa học mang tính quốc gia, trong đó công bố các loài động thực vật bị đe dọa giảm sút số lượng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngoài để tra cứu và nâng cao nhận thức của người dân về đa dạng sinh học, Sách Đỏ còn tạo cơ sở khoa học cho các nhà làm chính sách, các nhà bảo tồn xây dựng các biện pháp, chủ trương bảo vệ, phục hồi đối với từng loài trong danh mục, đồng thời cũng là căn cứ đề xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến tài nguyên sinh vật, việc xử lý các hành vi phá hoại thiên nhiên, gây hại cho sự tồn tại, phát triển của các loài sinh vật cần được bảo vệ.
Vì lẽ đó, Sách Đỏ có tác dụng thúc đẩy công tác bảo vệ tài nguyên sinh vật thiên nhiên ở cấp quốc gia. Ngoài ra nó mang ý nghĩa quốc tế, công bố cho thế giới biết Việt Nam hiện có những loài này và chúng đang bị đe dọa ra sao. Từ đó, họ sẽ nhận biết những loài nào của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa với riêng Việt Nam và sẽ hỗ trợ chúng ta về nhiều mặt, không chỉ là kinh phí, hỗ trợ tài liệu, mà còn là trao đổi thông tin giúp chúng ta bảo tồn tốt hơn.
– Xin giáo sư giới thiệu một đôi nét về nhóm tác giả đã xây dựng nên công trình ý nghĩa này?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Với Sách Đỏ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tập hợp được những nhà khoa học hàng đầu, từng trải, tiếp cận thực tế nhiều. Lúc đó tuy Việt Nam đã có trao đổi tư liệu với thế giới nhưng còn hạn chế, Sách Đỏ biên soạn được chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực địa của anh chị em. Họ từng đi rất nhiều, đến tận những nơi cheo leo hiểm trở, so sánh qua nhiều lần khảo sát mới đúc kết thành tiêu chí đặc thù để xếp loài này vào mức này, loài kia vào mức kia.
Chúng tôi đã thành lập 2 hội đồng biên tập riêng cho động vật và thực vật, dưới mỗi hội đồng có các Tiểu ban đi sâu vào từng phần, ví như các tiểu ban về bò sát, lưỡng cư, cá nước mặt…Với lần biên soạn Sách Đỏ 2007, tất cả nhóm tác giả có 73 người, nhưng cho đến bộ sách được hoàn tất và công bố vào tháng 6 năm 2008 thì có những tác giả đã ra đi, không kịp đón chào đứa con tinh thần của mình, trong đó có GS.TSKH Cao Văn Sung, GS.TSKH Nguyễn Tiến Bân và PGS.TS.Phạm Nhật
Nhìn lại cả quá trình biên soạn Sách Đỏ, có thể thấy Viện Khoa học và Công nghệ có vai trò rất lớn. Viện đã tập hợp được chất xám những nhà khoa học có kinh nghiệm và tâm huyết không chỉ từ các đơn vị trực thuộc mà từ tất cả các viện nghiên cứu và trường đại học trong cả nước. Có thể coi đội ngũ đó là tinh hoa của giới sinh học Việt Nam lúc ấy. Tôi khẳng định rằng Sách Đỏ thể hiện rõ tinh thần dấn thân của rất nhiều nhà khoa học, là tâm huyết của cả một thế hệ những người làm khoa học. Sách Đỏ chỉ vài nghìn trang nhưng chứa lượng chất xám rất lớn, rất đáng trân trọng.
– Quá trình biên soạn sách lần đầu tiên đã khó khăn như thế nào thưa giáo sư?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Lúc đó tư liệu không sẵn có, muốn tra cứu về một loài mất rất nhiều công chứ không có internet, đi thực địa điều tra cũng vô cùng vất vả chứ không đỡ như bây giờ. Kinh tế chung của đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách eo hẹp nên tiền thù lao cho mỗi người tham gia biên soạn chỉ mang tính tượng trưng. Tuy nhiên, lúc biên soạn sách, chúng tôi hoàn toàn không nghĩ đến vật chất, tất cả đều hăng say, toàn tâm toàn ý. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi khi ấy là thấy hiệu quả xã hội của Sách Đỏ rất cao.
– Xin hỏi giáo sư tại sao trong lần xuất bản đầu tiên, phần động vật và thực vật lại cách nhau lâu như vậy?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Sở dĩ như thế vì bộ sách này được xây dựng dựa trên những tiêu chí về phân hạng từng loài. Chúng ta không tự nghĩ ra được tiêu chí mà phải căn cứ vào những gì IUCN đã đưa ra, dựa vào tình trạng dữ liệu nghiên cứu thì mới xây dựng được danh sách các loài. Tất cả những việc đó cần có thời gian.
– Các tác giả đã dùng lại bộ tiêu chuẩn của IUCN hay có chỉnh sửa ạ?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Về cơ bản, Sách Đỏ Việt Nam vẫn áp dụng theo những tiêu chuẩn Sách Đỏ quốc tế. Tất nhiên chúng ta có chắt lọc và đưa thêm những tiêu chuẩn phù hợp với tình hình đặc thù của thiên nhiên nước mình. Cụ thể gồm có các mức: tuyệt chủng (EX), tuyệt chủng ngoài thiên nhiên (EW), rất nguy cấp (CR), đang nguy cấp (EN), sẽ nguy cấp (VU), ít nguy cấp (LR), thiếu dẫn liệu (DD) và không đánh giá (NE).
– Trong những lần xuất bản sau, Sách Đỏ đã có những thay đổi lớn nào về nội dung?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Lần đầu tiên Sách Đỏ chỉ có phần động vật, sau đó mới xuất bản được phần thực vật. Hai lần sau, Sách Đỏ được xuất bản song song cả hai phần, có điều chỉnh lại danh mục theo những nghiên cứu, điều tra mới nhất. Số lượng các loài trong danh mục công bố lần đầu tiên là 721 loài, gồm 365 loài động vật và 356 loài thực vật. Đến phiên bản 2004 số loài đã tăng lên đáng kể. Trong Sách Đỏ 2007, danh sách các loài bị đe dọa tiếp tục tăng lên 855 loài, với 448 loài thực vật, 407 loài động vật.
Nếu như trong lần xuất bản đầu, mức đe dọa cao nhất chỉ là Nguy cấp thì ở những lần sau đã có loài tuyệt chủng và tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Trong Sách Đỏ 2007 có tới 9 loài động vật tuyệt chủng mà trước kia chúng chỉ trong tình trạng bị đe dọa.
Số loài bị đe dọa tăng lên dù tiêu chí của chúng ta đưa ra ngày càng chặt chẽ thật sự là điều đáng suy nghĩ. Nếu bảo tồn tốt và tiêu chí chặt hơn thì lẽ ra danh mục phải giảm, nhưng trên thực tế con số này lại tăng. Nguyên nhân là vì áp lực khai thác quá lớn và hiệu quả bảo tồn chưa cao.
– Thưa giáo sư, vậy còn xác suất bỏ sót thì sao ạ?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Vâng, nếu ý anh muốn hỏi Sách Đỏ Việt Nam đã bao gồm được hết các loài nguy cấp của nước ta hay chưa thì có lẽ là chưa. Nhưng chắc chắn với quy trình nghiên cứu, điều tra thực địa và xem xét kỹ càng, công phu của các tác giả thì hầu hết các loài đã được đưa vào danh sách. Tất nhiên chỉ tính ở thời điểm xuất bản, vì thiên nhiên và các loài biến đổi hàng ngày dưới áp lực của phát triển kinh tế, của việc khai thác quá đà. Có loài lúc xuất bản chưa thuộc danh mục nhưng lần xuất bản sau thì lại được đưa vào, cũng có những loài do chúng ta bảo tồn, nuôi trồng tốt thì lại được đưa ra.
– Theo giáo sư, làm thế nào để Sách Đỏ đến được với cộng đồng tốt hơn?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Lượng Sách Đỏ từ trước đến nay in ra không nhiều, giá thành lại cao nên chắc chắc tác động xã hội có bị hạn chế. Có một thực tế là Sách Đỏ hiện nay mới chỉ đến được với các nhà khoa học, với giới nghiên cứu chứ chưa đến được các địa phương. Tôi đồ rằng không phải lãnh đạo địa phương nào cũng có Sách Đỏ trên giá sách, thậm chí rất nhiều lãnh đạo các Khu BTTN không có sách. Nếu in được nhiều, mỗi đại biểu quốc hội có một bộ, lãnh đạo các địa phương, nhất là những nơi có loài nào đó trong danh mục thì chắc công tác bảo tồn còn đạt hiệu quả cao hơn.
Để Sách Đỏ không chỉ nằm trên giá tra cứu mà đến được với người dân, tôi cho rằng nên in ở dạng rút gọn, đưa ít thông tin khoa học, tập trung vào thông tin giá trị từng loài, tăng cường mảng ảnh, in nhỏ lại để nhét vừa cái cặp, tiện cho việc đi lại. Sách Đỏ hiện nay nói thật là in đẹp quá, cầm lên khá nặng, có sách rồi muốn mang đi chỗ này chỗ kia khi cần cũng không dễ.
– Và đến với cả các em học sinh nữa?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Nên quá. Những nhà bảo tồn sinh học và nhà giáo dục nên ngồi lại với nhau, lựa những nội dung phù hợp để đưa vào giờ sinh học. Không cần đợi đến cao đẳng đại học, mà ngay từ mẫu giáo mà có hình ảnh để giáo dục cho các cháu thì chắc chắn sẽ nâng cao nhận thức cho các cháu, và sau này công tác bảo tồn sẽ đạt được hiệu quả cao.
– Trong 17 năm, Sách Đỏ Việt Nam đã được tu chính và tái bản đến lần thứ ba, đó là thành quả cực kỳ đáng trân trọng của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và của các nhà khoa học nói chung, nhưng điều đó liệu đã đủ đáp ứng nhu cầu thông tin bảo tồn trong bối cảnh hiện nay hay chưa?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Sách Đỏ gần nhất là năm 2007, tức là cũng năm năm rồi. Hiện nay kinh tế của nước ta phát triển nhanh chóng tạo áp lực không nhỏ cho thiên nhiên, ví như làm thủy điện, như trồng cao su tác động rất nhiều đến đa dạng sinh học. Tôi cho rằng nên đầu tư tu chỉnh Sách Đỏ mỗi năm năm một lần. Nghĩa là để 5 năm sau Việt Nam sẽ có một bộ sách được cập nhật, việc triển khai phải được bắt đầu ngay trong năm nay.
– Giáo sư nhận thấy những khó khăn và thuận lợi nào nếu sắp tới chúng ta tiếp tục xuất bản Sách Đỏ mới?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Ngoài kinh phí thì cái khó nhất là lớp kế cận. Cán bộ khoa học trẻ của ta nhiệt tình và có năng lực, anh em được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn thời trước nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra còn một khó khăn nữa là đội ngũ nghiên cứu ngày càng mỏng vì áp lực cơm áo gạo tiền. Những ngành khoa học cơ bản nhưng ít người theo vì không đủ sống. Tôi lấy ví dụ như Phân loại học, ngành này đóng vai trò cực kỳ quan trọng với sinh học, anh không thể làm được Sách Đỏ nếu không phân loại được con này hay cây kia thuộc loài nào. Nhưng phân loại học lại không mang lại thu nhập nên rất ít người có nhiệt huyết theo.
Tất nhiên cũng có những thuận lợi chứ. Cái thuận lợi lớn nhất là chúng ta vẫn còn những nhà khoa học lớn tuổi nhiệt tâm sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Thông tin bây giờ cũng nhiều và dễ tiếp cận hơn trước, ngoài ra chúng ta còn có sự giúp đỡ ngày càng thiết thực của các tổ chức quốc tế về thông tin, dữ liệu, về đi thực địa. Bên cạnh đó các viện và các trường hàng năm đều đi thực địa, đấy cũng là nguồn dữ liệu qua trọng không nên bỏ qua khi tu chỉnh Sách Đỏ.
Với lần biên soạn tiếp theo tôi cho rằng nên huy động sự tham gia của cộng đồng. Sinh sống tại chỗ, nhiều người dân rất có kinh nghiệm. Họ hiểu tập tính và biết được tình hình của các loài sống ở đó. Có họ tham gia, Sách Đỏ sẽ nâng cao được giá trị.
– Xin chân thành cảm ơn giáo sư. Chúc ông và gia đình một năm mới mạnh khỏe, an khang!