ThienNhien.Net – Bước vào cuộc chiến chinh phục đại dương, các nhà chế tạo tua-bin gió nổi đang bắt tay xây dựng những cỗ máy lớn có khả năng chống chịu với những cơn bão khắc nghiệt ở vùng Biển Bắc.
Ngày nay, công nghệ thả nổi đã cho phép tua-bin cố định ở nơi có độ sâu vượt quá 50m và dồi dào lượng gió mà trước kia không thể tiếp cận được. Đế của tua-bin sẽ được neo giữ bởi 4 hàng dây, 2 trong số đó được kết nối với cột neo để gia cố tua-bin nhằm tăng độ bền và giảm bớt sự dịch chuyển. Khi gió đổi hướng và thay đổi áp lực lên tua-bin và đế tua-bin, các máy bơm sẽ huy động luân phiên nguồn nước dằn giữa các khoang đế nhằm cố định tua-bin.
Được biết, mẫu tua-bin đầu tiên mang tên WindFloat trị giá 30 triệu USD hiện đang được thử nghiệm trước khi hoàn tất trình tự khởi động. Sau những thử nghiệm đầu tiên, mẫu tua-bin này sẽ dần dần được cải thiện để đạt được công suất tối đa.
Theo Antonio Vidgal, Giám đốc điều hành Công ty EDP Inovação – một trong những doanh nghiệp đang tích cực đầu tư vào công nghệ tua-bin gió nổi, vùng biển sâu chính là mặt trận năng lượng lớn tiếp theo mà thế giới hướng tới. Công nghệ tua-bin gió ở vùng biển sâu cho phép con người khai thác sức gió mạnh hơn, ổn định hơn nhằm mang lại nguồn năng lượng bền vững.
Tuy nhiên, muốn tạo được bước đột phá thực sự trong lĩnh vực này, các nhà sản xuất tua-bin gió nổi cần phải chấp nhận đầu tư lớn để xây được những chân đế vững chắc, nhất là chi phí cho khâu lắp đặt, vận chuyển nhằm cố định tua-bin ở các vùng biển sâu.
Không ngừng thử nghiệm
Hiện nay, trong bối cảnh thị trường năng lượng gió ngoài khơi Bắc Âu dự báo đã phát triển tới con số 85,9 tỷ USD, các nhà sản xuất tua-bin càng kỳ vọng công nghệ thả nổi sẽ sớm được thông qua để họ có thể đưa những cỗ máy lớn hơn ra vùng biển nước sâu.
Một trong những doanh nghiệp tiên phong thử nghiệm tua-bin gió nổi là Vestas, tập đoàn đa quốc gia hàng đầu về tua-bin gió có trụ sở tại Đan Mạch. Anders Bach Andersen, Giám đốc điều hành Vestas, cho hay: “Chúng tôi đã có tua-bin công suất 2 MW trên đế nổi và chỉ với vài thay đổi nhỏ trong thiết kế, chúng tôi sẽ có thể tạo ra một tua-bin mới với công suất 7 MW”.
Về phần mình, Jesper Moller, Giám đốc điều hành Siemens (Đức), tập đoàn nắm giữ thị phần lớn các đơn đặt hàng tua-bin gió ngoài khơi và đang phát triển một tua-bin 6 MW cạnh tranh với Vestas, lại khẳng định: “Tua-bin lớn hay nhỏ không phải là vấn đề, dù là loại tua-bin nào thì công nghệ thả nổi đều giống nhau mà thôi”.
Còn Công ty Alstom của Pháp, nơi xây dựng một tua-bin ngoài khơi với công suất 6 MW, đang hy vọng có thể bán nó tại khu vực Biển Bắc và đặt tua-bin ở trạng thái sẵn sàng hoạt động vào năm 2014. Song, ông Cesar Muniz-Casais, Giám đốc điều hành Alstom, lại từ chối tiết lộ công suất dự kiến của chiếc tua-bin nổi này.
Ở Đan Mạch, Phòng thí nghiệm Quốc gia về Năng lượng Bền vững Risø thuộc Đại học Kỹ thuật Đan Mạch cũng đang phối hợp với 11 đối tác quốc tế khởi đầu chương trình DeepWind kéo dài 4 năm nhằm tạo ra và thử nghiệm những tua-bin gió nổi theo trục thẳng đứng với công suất lên tới 20 MW.
Không dừng ở đó, các cơ hội với tua-bin gió nổi còn có thể mở rộng ra tận phía ngoài các vùng nước của Biển Bắc. Hiện Nhật Bản đang lên kế hoạch xây dựng một trang trại gió nổi thử nghiệm bao gồm 6 tua-bin công suất 2 MW với chi phí khoảng từ 130 – 260 triệu USD. Nhật cho biết sẽ làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Nặng Mitsubishi và Tập đoàn Công nghiệp Nặng Fuji trong suốt quá trình tiến hành đánh giá đến lúc hoàn thành trang trại vào năm 2016. Chưa hết, “xứ sở hoa anh đào” còn dự định xây dựng 80 tua-bin gió nổi ngoài khơi Fukushima trước năm 2020.
Và tương lai sẽ còn vô số cuộc thử nghiệm loại hình công nghệ thả nổi mới ở khắp các đại dương trên toàn cầu. Nếu thành công, tin rằng các tua-bin gió nổi sẽ nhanh chóng chinh phục biển khơi, cung cấp ngày càng nhiều nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo, góp phần giảm bớt áp lực cho các ngành năng lượng khác như nhiệt điện, thủy điện…, đồng thời đóng góp tích cực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà thế giới đang nỗ lực triển khai.