ThienNhien.Net – Không chỉ tạo thu nhập và giúp nâng cao sinh kế cho người dân, mô hình rừng – tôm kết hợp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn hạn chế phần nào những tác động tiêu cực ảnh hưởng tới các khu rừng phòng hộ ven biển. Đây cũng là lý do quan trọng khiến việc duy trì tính ổn định của mô hình được đặt lên nhiệm vụ ưu tiên trong định hướng phát triển bền vững khu vực.
Vùng rừng ngập mặn ven biển được phân thành 3 vùng chính là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng đệm và vùng kinh tế. Trong vùng đệm có khoảng 60% diện tích được sử dụng để trồng rừng và 40% diện tích còn lại dùng để nuôi trồng thủy sản. Theo chủ trương của Chính phủ, các cơ quan quản lý rừng đã thực hiện chính sách giao khoán đất rừng cho người dân với diện tích bình quân 5 ha/hộ, trong đó có 60 – 70% diện tích giao khoán phải được trồng rừng và 30 – 40% diện tích đất còn lại được sử dụng cho nuôi trồng thủy sản.
Hiện có khá nhiều mô hình rừng – tôm được áp dụng tại ĐBSCL như mô hình rừng – tôm quảng canh, mô hình rừng – tôm cải tiến, mô hình rừng – tôm quảng canh cải tiến kết hợp thả cua, mô hình rừng – tôm quảng canh cải tiến kết hợp thả cua và sò huyết…, trong đó mô hình quảng canh cải tiến kết hợp thả cua cho thu nhập cao hơn cả, khoảng từ 50 triệu đồng/hộ/năm trở lên.
Sau hơn 10 năm áp dụng, mô hình đã mang lại nguồn sinh kế nhất định cho bà con, tuy nhiên cách làm này cũng tồn tại một số hạn chế về mặt môi trường như quá trình nuôi tôm có thể gây ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây rừng, làm giảm đa dạng sinh học. Đặc biệt, năng suất và chất lượng tôm nuôi tự nhiên trong rừng có xu hướng ngày càng giảm đi do cây rừng khép tán, làm thiếu ánh sáng, lá rụng nhiều, gây ô nhiễm nguồn nước…
Nhằm khắc phục thực trạng trên, đồng thời duy trì tính ổn định của mô hình, nghiên cứu của PGS.TS Bùi Thị Nga (Đại học Cần Thơ) đăng trên Tạp chí Hoạt động khoa học tháng 12/2011 – cho rằng cần đa dạng hóa đối tượng nuôi và nâng cao chất lượng con giống, đồng thời áp dụng phương thức nuôi hiệu quả, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ nguồn vốn cho bà con để mô hình nuôi phát triển bền vững.
Ngoài ra, cần nghiên cứu các yếu tố môi trường tác động đến năng suất của mô hình như mât độ cây, năng suất vật rơi của rừng; quy hoạch sử dụng đất rừng có hiệu quả dựa trên đặc tính môi trường phù hợp với mô hình ở vùng ven biển; chú trọng xây dựng nhãn hiệu sinh thái cho tôm và các sản phẩm khác từ các mô hình nuôi kết hợp.