ThienNhien.Net – Mười hai năm trong một đời người không phải là thời gian ngắn, nhưng mười hai năm để nhìn lại sự hồi sinh của một loài thực vật cũng chưa phải là dài. Năm 1999, một loài cây lá kim được Viện điều tra Quy hoạch rừng mô tả như một loài mới với tên Trắc bách Quản Bạ từ vùng núi đá vôi tỉnh Hà Giang. Hai năm sau, các nhà nghiên cứu thực vật của Việt Nam vui mừng đón nhận tin Trắc bách Quản Bạ được công nhận là một loài mới thuộc chi mới, dưới tên Bách vàng Việt Nam (Xanthocyparis vietnamensis). Cùng với sự vui mừng ấy, người ta không khỏi xót xa và lo lắng, bởi ngay lúc đó Bách vàng được đánh giá là loài cây đang bị đe dọa tuyệt chủng, cực kỳ nguy cấp.
Báu vật của núi đá vôi
Ngắm cây Bách vàng vươn mình vững chãi trên đỉnh núi đá vôi cao vòi vọi qua màn sương bảng lảng, tôi chợt liên tưởng đến những lời đồn đại trong dân gian về loài cây này. Nghe kể lại trước kia cây Ché (từ địa phương gọi tên Bách vàng) từng có rất nhiều ở rừng Bát Đại Sơn. Những câu chuyện kể rời rạc của các già làng về cây Ché có rất nhiều điểm trùng hợp với loại gỗ Ngọc am huyền thoại. Nếu cây Ché đúng là Ngọc am, nó cũng chính là lễ vật dùng để tiến cống cho vua chúa và những người thuộc tầng lớp “đạt quan quý nhân” xưa kia để xây lăng tẩm hoặc làm quan tài. Gỗ Ngọc am rất bền, chịu chôn, không bị mối mọt, cong vênh. Người đời tin rằng nếu có được một mảnh gỗ Ngọc am kê đầu giường thì sẽ xua được ma quỷ, giấc ngủ sẽ sâu, rất tốt cho sức khỏe.
Ngày nay, nhiều người dân sinh sống ở Bát Đại Sơn khẳng định rằng gỗ Ché cũng có mùi thơm đặc trưng của Ngọc am, một số gia đình vẫn dùng trong nhà để tránh một số loại bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi. Khi đốt lên, hương thơm của gỗ tạo cảm giác ấm cúng, lại đuổi được ruồi muỗi.
Như sợ chúng tôi không tin rằng gỗ Ché rất cứng, ông Giàng Chìa Páo, một tay đi rừng cự phách của thôn Đầu Cầu I, nâng một khúc gỗ cỡ bắp chân đã khô từ nhiều năm trước ném xuống chân núi. Một tiếng cạch khô khốc vang lên, nhưng khi chúng tôi xuống xem thì khúc cây vẫn gần như không xây xát gì đáng kể, đưa lên mũi ngửi thì có mùi tinh dầu thơm thoang thoảng.
Chuyến đi của tôi quả là may mắn khi có thêm người bạn đồng hành. Anh là một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về thực vật, cũng là hội viên của Hội bảo tồn cây lá kim quốc tế. Anh xưa nay vốn kiệm lời nhưng đề tài mời mọc lần này có vẻ đã hấp dẫn con người khoa học ấy. Anh bảo: “Hiếm có loài cây nào kỳ lạ như Bách vàng, thậm chí có thể nói là nó độc nhất vô nhị. Cậu nhìn này, trên cùng một cây có hai dạng lá khác nhau rõ rệt. Các cành có dạng vảy, dẹt, nhọn, sắc, mọc xen lẫn với các cành có lá kim dài, dẹt, xếp thành vòng gồm 4 lá. Nón quả trông tương tự như các loài Hoàng đàn giả nhưng lại chỉ có 4 vảy mọc từ gốc cành lá chứ không phải từ đỉnh cành như những loài Hoàng đàn có lá vảy dẹt. Dạng lá kim còn duy trì ngay cả ở cây trưởng thành…”
Tôi thì cứ mắt tròn mắt dẹt nghe anh thuyết trình, nhìn theo tay anh chỉ từng bộ phận của cây. Biết anh cũng đã lâu, trò chuyện cũng đã nhiều, nhưng quả thực đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến giây phút thăng hoa của một nhà nghiên cứu khi gặp lại loài cây mình yêu thích, kể cũng thú vị. Anh bảo rằng cây quý nhất ở chỗ nó là loài đặc hữu của Việt Nam, mà cũng chỉ được tìm thấy mỗi ở vùng núi đá vôi của Hà Giang. Quần thể Bách vàng nay còn lại tập trung tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ) và một số lượng không đáng kể ở những đỉnh núi mây mù lởm chởm đá tai mèo của huyện Đồng Văn.
Phát hiện về cây Bách vàng đã gây chấn động giới thực vật học quốc tế, vì trong vòng 50 năm nay, kể từ khi loài Thông Wollenmi được phát hiện tại Australia trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trên thế giới cũng chỉ phát hiện được có 2 chi mới thuộc lớp Thông này. Còn trong thế kỷ 21, đây là loài cây lá kim đầu tiên được tìm thấy. Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với Hoàng đàn Hữu Liên, Bách tán Đài Loan và Thủy tùng, Bách vàng là “niềm tự hào” của hệ thực vật Việt Nam.
Có một điều thú vị khác, đó là trên một bài báo của BBC, Tiến sĩ Alijos Farjon, một thành viên của nhóm nghiên cứu tiết lộ việc phát hiện ra cây Bách vàng cũng chỉ là tình cờ, trong khi nhóm nghiên cứu của ông đang tìm hiểu về phong lan núi đá vôi ở vùng rừng phía Bắc.
Nguy cơ tuyệt chủng
Theo lời ông Páo, khoảng 50 năm trước, khi còn những cây Bách vàng “lớn như thùng gánh nước”, dân bản thường chặt mang về làm quan tài vì mùi hương của thứ gỗ này có thể giữ được xác không bị hỏng, một phần bán cho thương lái mang sang Trung Quốc làm đồ mỹ nghệ cao cấp.
Trong chiến tranh biên giới, không ít cây Bách vàng bị đốn chặt để làm công sự. Sau này, đời sống khó khăn, người dân còn dùng làm cột nhà, làm máng lợn hoặc thậm chí làm củi đốt. Dân bản nghèo lại không có nghề gì ngoài đi rừng làm nương nên cứ di cư từ đỉnh này sang đỉnh khác. Hệ quả là Bách vàng cứ bị đốn, bị chặt và bị đốt để làm nương rẫy để rồi bây giờ “phải lên tận những đỉnh núi cao tít mới thấy, cây to hết rồi, cũng chỉ còn lại những cây cong queo, khuyết tật” – ông Páo thừa nhận.
Quả thật đau xót, mưa nắng suốt mấy trăm năm và thậm chí cả nghìn năm, tinh hoa của núi đá vôi mới hun đúc nên được một thân cây Bách vàng, nhưng chỉ với một cây rựa, một mồi lửa là tất cả đều bị xóa sạch dễ dàng.
Theo khảo sát của thạc sĩ Tô Văn Thảo vào năm 2003, cả khu Bát Đại Sơn chỉ còn chừng hơn trăm cây Bách vàng trưởng thành. Điều này có nghĩa loài cây này trong tự nhiên sẽ khó có khả năng tái sinh. Ông Lệnh Xuân Trung, giám đốc Khu BTTN Bát Đại Sơn, chia sẻ với chúng tôi: tính đến cuối năm 2003, số cây Bách vàng trưởng thành trong tự nhiên không tăng lên so với gần mười năm trước. Chúng mọc rải rác ở đỉnh núi cao, nhưng nơi khó mà đến được.
Bạn tôi cho biết thêm quần thể cây phân tán, bị chia cắt, địa hình sinh sống cằn cỗi, toàn núi đá như ở Quản Bạ, hạt cây phán tán ra khó nảy mầm nên gần như không có cây con tái sinh. Ngay từ khi mới được phát hiện, người ta đã lắc đầu không dám hy vọng rằng loài cây này sẽ có thể trụ lại ngoài tự nhiên. Núi đá vôi Hà Giang có nguy cơ không giữ được “báu vật” và “niềm tự hào của thực vật Việt Nam”.
Bách vàng có tên khoa học là Xanthocyparis vietnamensis. Theo phân loại thực vật học, Bách vàng là một chi riêng biệt thuộc lớp Thông, ngành thực vật hạt trần, họ Hoàng đàn, rất quý hiếm. Cây trưởng thành, thường sau 30 đến 40 năm, có chiều cao khoảng 10 mét, đường kính từ 30-40 cm, phân bố ở những đỉnh núi cao từ 700 mét đến 1500 mét so với mực nước biển. Sau khi phát hiện chi Bách vàng, các nhà khoa học ghi chuyển loài Bách Nootka (Callitropsis nootkatensis) của châu Mỹ vào chi Xanthocyparis mới này (Farjon & Hiệp N.T và nhóm cộng sự, 2002) |