ThienNhien.Net – Đồng bằng sông Hồng vốn là nơi có số lượng trang trại và số lượng gia cầm chăn nuôi tập trung lớn nhất cả nước, mỗi năm khu vực này thải ra khoảng hơn 250.000 tấn phân gia cầm, ước tính chứa khoảng 5.825 tấn phốt pho.
Khi bón loại phân này cho cây trồng, thành phần phốt pho dư thừa sẽ tích tụ trong đất, sau đó có khả năng bị rửa trôi và góp phần gây ra hiện tượng phú dưỡng cho các nguồn nước mặt, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nước mặt và làm tăng mức độ ô nhiễm không khí.
Việc thu hồi thành phần phốt pho từ phân gia cầm vì vậy có ý nghĩa vô cùng lớn, không chỉ đem lại lợi ích cho người chăn nuôi và ngành công nghiệp phân bón mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vì lượng phốt pho này có khả năng tái sản xuất phân bón chứa phốt pho chất lượng cao.
Theo thông tin từ Tạp chí Môi trường và Sức khỏe xuân 2012, ở Mỹ, lượng phốt pho có khả năng thu hồi từ phân gia cầm chiếm khoảng 39% tổng lượng phốt pho từ tất cả các nguồn phân động vật khác.
Ở nước ta hiện cũng đã có những nghiên cứu xử lý phân gia cầm bằng phương pháp ủ (ủ khô, ủ ướt hoặc kết hợp trộn hoặc không trộn chế phẩm sinh học), kết quả cho thấy hàm lượng chất khô, protein, canxi photpho trong phân sau ủ đều tăng; giá thành ước tính 517 đồng/kg, vừa góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, vừa có tác dụng chống ô nhiễm môi trường, thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm bền vững.