ThienNhien.Net – Khu di tích danh thắng Yên Tử từ lâu vốn nổi tiếng với một hệ thống kiến trúc các chùa, am, tháp có ý nghĩa về mặt lịch sử và giá trị văn hóa tâm linh từ bao đời để lại. Không chỉ có vậy, đến Yên tử những ngày cận kề xuân này, ta còn được thỏa sức trải lòng hòa quyện với cảnh vật thiên nhiên, được ngắm và hít thở thứ hương thơm lan tỏa đến nhẹ nhàng và thanh khiết từ một loài hoa có tên mai vàng. Mai vàng Yên Tử độc đáo, tượng trưng cho sự cao thượng, vinh hiển, cao sang và may mắn… mỗi khi Tết đến, xuân về.
Mai vàng vùng đất thiêng
Trong một chuyến công tác đến Quảng Ninh, qua câu chuyện, người bạn đồng nghiệp bảo với tôi rằng “Gần Tết lên Yên Tử “săn” mai vàng nhé”. Lời rủ rê ấy khiến tôi cứ khó mường tượng xen chút hoài nghi. Mai vàng nở rộ vào đúng dịp Tết đã hiếm, huống chi chốn núi non thanh tịnh, nơi khí hậu khắc nghiệt, vắng bóng con người mà lại có thứ mai vàng nở vào đúng dịp xuân? Ý nghĩ đó thôi thúc tôi tìm về vùng đất linh thiêng – di tích Yên Tử (Thị xã Uông Bí, Quảng Ninh), nơi vẫn hiển hiện phong cảnh non nước hữu tình. Qua thời gian, chứng tích lịch sử, văn hóa quý báu vẫn còn nguyên giá trị. Có lẽ ngoài những thứ đó, ngày nay người ta còn biết đến Yên Tử bởi một loài mai vàng độc nhất vô nhị nơi đây.
Đem câu hỏi thắc mắc đến với những người dân Yên Tử, sự kỳ vọng về một loài cây quý hiếm là có thể. Chúng tôi vui mừng hơn khi biết rằng nơi đây vẫn còn tồn tại một rừng mai vàng tự nhiên quý giá. Trong đó có nhiều cây mai cổ thụ có tuổi đời ngót 800 năm, nó như một minh chứng lịch sử oai hùng, đồng thời biểu trưng cho nét văn hóa tâm linh của ông cha ta ở một giai đoạn đất nước hưng thịnh. Nói như vậy để minh chứng cho sự xuất hiện của cây mai vàng ở Yên Tử là do chính bàn tay con người.
Hành trình tìm về cuội nguồn và gốc tích của loài cây này, từ bao đời người dân vẫn tương truyền câu chuyện rằng thời đó vua Trần Nhân Tông khi đến đây tu luyện và sáng lập thiền phái Phật giáo Trúc lâm Tam tổ đã mang theo giống mai tôn quý thanh cao này về ươm trồng. Có lẽ vì thế mà mai ở Yên Tử còn được gọi là “đại lão mai vàng”. Ngàn đời xưa, con người ta cũng đã biết hướng đến cái đẹp tinh túy của trời đất hòa quyện với thiên nhiên.
Mất nửa ngày đường mới đến được vùng phân bố chủ yếu của cây mai vàng tại 2 khu vực ở chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử và làng Tây Sơn (Đông Triều). Quả không ngoa như lời đồn đại, trăm nghe không bằng một lần được chứng kiến. Mục sở thị tại các điểm như thác Vàng, thác Bạc, khe Chè, dốc Hẩy có độ cao chừng 900 m so với mực nước biển là những rừng mai vàng chạy dọc theo các khe suối với số lượng lến đến cả 100 cây. Những cây mai vàng cổ thụ vươn cao chọc trời, đường kính từ 40 – 50 cm, tỏa mùi hương thơm phảng phất và khoe sắc vàng rực trước tiết xuân lạnh nơi núi rừng xanh thẳm .
Mai vàng Yên Tử sinh trưởng trên nền khí hậu có nhiệt độ thấp vào mùa đông. Đây là yếu tố đầu tiên tạo nên sự khác biệt về mặt hình thái cây mai vàng ở vùng đất này so với mai vàng ở các vùng khác. Hoa mai vàng nở theo từng chùm, một cây có rất nhiều chùm. Ngoài ra hoa mai Yên Tử có mùi thơm nhẹ rất đặc trưng, màu vàng sáng và có 5 cánh. Đó chính là những vẻ đẹp riêng của mai vàng Yên Tử. Trong khi đó mai vàng ở miền Nam hoa có nhiều màu (vàng sáng, vàng nhạt…), hoa có giống 5 cánh, giống nhiều hơn hoặc ít hơn 5 cánh và không nở theo chùm.
Cứ mỗi độ xuân về, ai cũng muốn phần về mình một cây hay một nhánh mai vàng để cầu lộc, cầu an cho năm mới. Càng quý hơn khi những cây mai vàng ấy nằm trên đỉnh núi của vùng đất thiêng Yên Tử. Rời Yên Tử khi xuân sắp gõ cửa mọi nhà mà lòng đầy quyến luyến. Hương sắc loài hoa ấy như níu kéo bước chân tôi ở lại… hay hẹn một lần xuân sau lại ghé.
Bảo tồn nguồn gen quý
Cây Mai vàng Yên Tử cùng loài với hoàng mai, có tên khoa học là Ochna integerrima (Lour.Merr). Với những đặc tính vốn có, mai vàng Yên Tử được các giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đánh giá đây là một nguồn gen quý đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi tác động của thiên tai và con người nên cần được bảo vệ và nhân giống. Tuy nhiên công việc này gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém về chi phí.
Chia sẻ với chúng tôi, TS. Đặng Văn Đông thuộc Viện Nghiên cứu rau quả – Viện Khoa học Nông nghiệp (Bộ NN và PTNT), cho biết, miền Bắc vốn không trồng được mai vàng, muốn có mai vàng phải vận chuyển từ miền Nam ra rất tốn kém và không giữ được lâu do mai không thích nghi được với thời tiết miền Bắc. Đứng trước những thách thức ấy, mong muốn, ấp ủ thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn lưu giữ và phát triển giống hoa Mai vàng Yên Tử” luôn thôi thúc ông. TS. Đặng Văn Đông, người chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, đã cùng những cộng sự của mình bắt tay ngay vào công việc “cứu” lấy giống mai vàng Yên Tử từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2010.
TS. Đông đã tiến hành nhiều phương pháp nhân giống mai vàng Yên Tử và ông đã phát hiện rằng kết quả tốt nhất là khi ghép cây mai vàng Yên Tử trên gốc mai vàng miền Nam. Với sự tham gia của các chuyên gia thực vật của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cán bộ điều tra của Viện nghiên cứu Rau Quả và cán bộ kiểm lâm địa phương, sau gần 3 năm dày công miệt mài, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc nhân giống bằng phương pháp ghép mắt mai vàng Yên Tử vào gốc mai vàng Nam bộ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây mai này nở hoa vào đúng dịp Tết. Phương pháp nhân giống trên sẽ cho ra đời những cây mai vàng sinh trưởng khỏe, nhanh ra hoa và hoa có mùi thơm.
Điều đáng ghi nhận là nghiên cứu rất thành công trong kỹ thuật điều khiển hoa mai vàng Yên Tử nở đúng dịp Tết Nguyên Đán. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Sở Khoa học tỉnh Quảng Ninh nghiệm thu và đánh giá đạt loại xuất sắc. Các nhà khoa học đã tiến hành ghép các cành bánh tẻ được lấy từ các cây mai Yên Tử đầu dòng với các gốc mai vàng miền Nam. Kết quả cho tỷ lệ bật mầm sau 3 tháng đạt trên 95%, tỷ lệ cây ghép sống đạt 85%.
Thành công bước đầu, dịp xuân Canh Dần 2010, trong vườn nghiên cứu của Viện tại xã Thượng Yên Công (Uông Bí) đã có 2.500 cây mai vàng Yên Tử nở hoa đón Tết và phục vụ du khách đến tham quan ở Hội xuân Yên Tử. Việc nhân giống thành công mai vàng Yên Tử giúp chủ động tạo được một nguồn hoa đẹp với số lượng lớn và duy trì được nguồn giống quý hiếm này. Khi Tết qua đi, người dân hay những người chơi hoa vẫn có thể trồng lại cây mai vàng để có cây phục vụ Tết năm sau.
Được biết, trong phạm vi nghiên cứu Đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn lưu giữ và phát triển giống hoa Mai vàng Yên Tử”, Viện Nghiên cứu Rau quả đã trồng được 10.000 cây giống với giá thành 40.000 đồng/cây và đang chuẩn bị nhân giống tiếp 12.000 cây mai vàng nở hoa vào đúng dịp Tết này.
Để mai vàng Yên Tử, loài quý hiếm có giá trị về kinh tế cũng như đời sống tâm linh, còn mãi với thời gian, hơn ai hết, các ngành hữu quan địa phương tỉnh Quảng Ninh cần có các biện pháp nghiêm ngặt bảo tồn những cây mai vàng tại vùng rừng núi Yên Tử.