ThienNhien.Net – Sau khi khảo sát hơn 2000 vùng bị ô nhiễm tại 47 nước đang phát triển khác nhau trong một nghiên cứu mới đây, Viện nghiên cứu Blacksmith – một tổ chức về sức khỏe và môi trường có trụ sở tại New York – đã đưa ra báo cáo về 10 vấn đề ô nhiễm tồi tệ nhất thê giới năm 2011 – tính theo số người bị ảnh hưởng.
Ô nhiễm thủy ngân do khai thác vàng thủ công ở các nước châu Phi và Đông Nam Á ảnh hưởng tới sức khỏe khoảng 3,5 triệu người mỗi năm. Các thợ mỏ thường dùng thủy ngân để tách vàng ra khỏi lớp đất đá sau đó nấu chảy hỗn hợp vàng – thủy ngân để thủy ngân bay hơi và thu lại vàng. Tuy nhiên, một lượng nhỏ thủy ngân hóa hơi cũng có thể khiến người hít phải bị nhiễm độc nặng.
Ô nhiễm môi trường do chất thải của các khu công nghiệp, đặc biệt là các chất thải có chứa chì đã gây rối loại phát triển ở trẻ em và ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều người dân sống xung quanh. Theo tính toán, chất thải có chứa chì của các khu công nghiệp cướp đi tuổi thọ của gần 3 triệu người mỗi năm.
Nền nông nghiệp hiện đại phụ thuộc nhiều vào các loại thuốc bảo vệ thực vật, trung bình khoảng 2.000.000 tấn thuốc trừ sâu được sử dụng mỗi năm. Tiếp xúc với thuốc trừ sâu gây ra nhiều bệnh về da, đặc biệt thuốc trừ sâu còn là tác nhân gây bệnh ung thư. Theo tính toán, thuốc trừ sâu sử dụng trong nông nghiệp ảnh hưởng tới sức khỏe của hơn 2,2 triệu người mỗi năm.
Trung bình, khoảng 3,8 triệu tấn chì được sản xuất mỗi năm bằng cách nấu chảy hỗn hợp kim loại có chứa chì nhưng việc làm này đã ảnh hưởng tới sức khỏe của khoảng 2 triệu người mỗi năm.
Công nghệ thuộc da cần sử dụng tới Crom, tuy nhiên Crom hóa trị VI lại là một tác nhân gây bệnh ung thư. Do đó, ô nhiễm Crôm từ công nghệ thuộc da mỗi năm ảnh hưởng tới sức khỏe của hơn 1,8 triệu người.
Ô nhiễm thủy ngân từ các hoạt động khai mỏ khác ngoài vàng như hóa chất, kỹ thuật điện hay điện tử cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của hơn 1,5 triệu người mỗi năm.
Ô nhiễm chì từ các hoạt động khai thác mỏ cũng lấy đi tuổi thọ của hơn 1,2 triệu người mỗi năm.
Pin và ắc-quy, có mặt nhiều trong các thiết bị công nghệ con người sử dụng hàng ngày, có cấu tạo từ các tấm chì ngâm trong dung tịch axit sulfuric. Nhưng việc tái chế pin thải rất nhiều loại khí độc độc hại vào khí quyển. Ô nhiễm chì từ việc tái chế pin không đúng cách ảnh hưởng tới sức khỏe của gần 1 triệu người mỗi năm.
Mạch nước ngầm một vùng có ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của người dân vùng đó. Theo nghiên cứu, ô nhiễm mạch nước ngầm mỗi năm ảnh hưởng tới tuổi thọ của ít nhất 750.000 người, đa phần là người dân sống ở phía nam châu Á.
Nghiên cứu cũng cho biết, hiện tại, vẫn còn khoảng 6 đến 9 triệu tấn thuốc trừ sâu cũ, lỗi thời như DDT đang được bảo quản không đúng cách. Việc bảo quản và sản xuất thuốc trừ sâu cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của hơn 700.000 người mỗi năm.