Giảm hạn ngạch nhập các chất làm suy giảm tầng ô-zôn

ThienNhien.Net – Liên bộ Công Thương và Tài nguyên và Môi trường vừa ra Thông tư liên tịch số 47 quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập – tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-zôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn.

Các chất làm suy giảm tầng ô-zôn được quản lý theo Thông tư gồm các chất hydrochlorofluorocarbon (HCFC) và chất Polyol trộn sẵn HCFC-141b.

Thương nhân chỉ được phép nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập – tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-zôn với các nước thành viên của Nghị định thư. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo và cập nhật danh sách các nước thành viên của Nghị định thư trên trang mạng của Bộ.

(Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Bộ Công Thương có trách nhiệm cấp hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC theo nghĩa vụ loại trừ dần của Việt Nam. Hạn ngạch nhập khẩu từng năm bắt đầu từ ngày 1/1/2012 đến 31/12/2019 cho từng nhóm chất HCFC như sau:

Đối với chất HCFC-141b, hạn ngạch nhập khẩu năm 2012  là 500 tấn, 2013 là 300 tấn và 2014 là 150 tấn. Với các chất HCFC khác, hạn ngạch nhập khẩu năm 2012 là 3.700 tấn, 2013 là 3.400, 2014 là 3.700 , từ 2015 đến 2019 là 3.600 tấn/năm.

Hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC cho từng năm từ 2016 đến 2019 sẽ được cắt giảm tương ứng đối với các chất được thương nhân sử dụng để hoàn thành quá trình chuyển đổi sản xuất sang các chất thay thế do Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư cung cấp tài chính, công nghệ cho quá trình chuyển đổi.

Trước ngày 31 tháng 11 hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi thông báo bằng văn bản tới Bộ Công Thương về lượng các chất HCFC đã được loại trừ thực tế ở Việt Nam. Trước ngày 31 tháng 1 của năm kế tiếp, Bộ Công Thương công bố lượng cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC thuộc phụ lục I trên cơ sở thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC cho các năm sau năm 2019 sẽ được Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật theo kết quả loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam và theo quyết định của các nước thành viên Nghị định thư. Hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC không được phép chuyển nhượng và chỉ được thực hiện nhập khẩu vào Việt Nam trong năm cấp phép.

Các thương nhân nhập khẩu các chất HCFC theo hạn ngạch nhưng sau đó xuất khẩu (trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu) và có nhu cầu nhập khẩu tiếp thì được xem xét cấp hạn ngạch bổ sung không vượt quá lượng đã xuất khẩu.

Ngoài những nội dung trên, Thông tư cũng quy định trình tự, thủ tục xin cấp phép xuất nhập khẩu, tạm nhập – tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-zôn.