ThienNhien.Net – Theo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, độ che phủ rừng dự kiến được lên 42 – 43% và tăng lên 44 – 45% vào năm 2020.
Mục tiêu của Kế hoạch là bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; sử dụng tài nguyên rừng và quỹ đất được quy hoạch cho lâm nghiệp có hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân có cuộc sống gắn với nghề rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Giai đoạn 2011 – 2020, trồng 2,6 triệu ha rừng
Nhiệm vụ đặt ra là bảo vệ và phát triển bền vững đối với 13.388.000 ha rừng hiện có (tính đến 31/12/2010) và 750.000 ha rừng khoanh nuôi tái sinh, 1.250.000 ha rừng trồng mới trong giai đoạn 2011 – 2014; đến năm 2015 diện tích rừng đạt khoảng 14.270.000 ha rừng, năm 2020 đạt 15.100.000 ha.
Đồng thời, trồng 2.600.000 ha rừng, trong đó trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng 250.000 ha (bình quân 25.000 ha/năm), trồng mới rừng sản xuất 1.000.000 ha (bình quân 100.000 ha/năm) và trồng lại rừng sau khai thác 1.350.000 ha (bình quân 135.000 ha/năm). Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất rừng trồng sản xuất tăng 25% vào năm 2020 so với năm 2011.
Bên cạnh đó, giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; phát huy có hiệu quả các chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học của rừng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững của đất nước.
Triển khai cơ chế đồng quản lý rừng
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Kế hoạch sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế, chính sách phát triển rừng theo dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, đồng thời áp dụng chính sách hiện hành về hỗ trợ lương thực cho đồng bào miền núi để khắc phục nạn đốt phá rừng làm nương rẫy, chuyển đổi sang trồng rừng trến đất nương rẫy là đất lâm nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Ngoài một số chính sách hiện hành tiếp tục được áp dụng, Bộ Nông nghiệp sẽ chủ trì, phối hợp nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế, chính sách mới như: Chính sách đối với rừng phòng hộ theo hướng cho phép tất cả các chủ rừng thuộc các thành phần kinh tế trong nước bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý rừng phòng hộ có nguồn thu ổn định từ rừng; Chính sách khai thác gỗ và lâm sản…
Bộ cũng đồng thời là đơn vị triển khai cơ chế đồng quản lý rừng, cụ thể từ nay đến năm 2014 thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích tại một số khu rừng đặc dụng theo hướng chuyển căn bản từ hình thức nhà nước kiểm soát hoàn toàn công tác bảo vệ rừng sang nhiều hình thức cùng quản lý, trong đó các cộng đồng địa phương chia sẻ trách nhiệm quản lý và lợi ích thu được với các cơ quan nhà nước.
Thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng
Song song với việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, tại Quyết định 58/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương lập và thực hiện kế hoạch, dự án bảo vệ và phát triển rừng trung hạn và hàng năm; phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thông qua kế hoạch và phân bổ nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương trong toàn quốc.
Bên cạnh đó, điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo việc huy động lực lượng, phương tiện trong việc tổ chức ứng cứu chữa cháy rừng, đấu tranh chống phá rừng, buôn bán lâm sản trái pháp luật vượt quá khả năng xử lý của địa phương theo quy định của pháp luật…