ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 02/CT-TTg chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Thủ tướng yêu cầu dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt; không xuất khẩu quặng và tinh quặng chì – kẽm, quặng mangan và tinh quặng mangan, quặng apatit, quặng đồng; không cấp phép mới khai thác vàng sa khoáng; không cấp phép thăm dò mới đối với quặng bauxit ở các tỉnh phía Bắc…
Thời gian gần đây, hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản có một số diễn biến phức tạp, hoạt động khai thác một số loại khoáng sản chưa phù hợp nhu cầu thực tế, số lượng giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản được cấp gia tăng trong khi việc đầu tư dự án chế biến sâu ít được quan tâm, tình trạng vi phạm quy định về an toàn lao động và bảo vệ môi trường còn khá phổ biết, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương…
Kiên quyết dừng khai thác đối với khoáng sản chưa có công nghệ chế biến hiện đại
Theo Chỉ thị 02/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị thăm dò, khai thác khoáng sản phải tính đến nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của đất nước; khai thác khoáng sản nhất thiết phải gắn với chế biến sâu, sử dụng phù hợp với tiềm năng, giá trị của từng loại khoáng sản.
Chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản chỉ được xem xét cấp phép khi đã có dự án đầu tư và được Hội đồng thẩm định của các Bộ Công Thương, Xây dựng và UBND các địa phương thẩm định theo thẩm quyền, dự án phải được áp dụng công nghệ chế biến tiến tiến và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đối với những khoáng sản chưa có công nghệ chế biến hiện đại, bảo đảm hiệu quả thì kiên quyết dừng lại chưa khai thác.
Không xuất khẩu khoáng sản thô
Thủ tướng yêu cầu việc xuất khẩu khoáng sản phải tuân thủ theo quy định của Chính phủ, không xuất khẩu khoáng sản thô.
Bộ Công Thương khẩn trương điều chỉnh, bổ sung chính sách, tiêu chuẩn xuất khẩu khoáng sản theo hướng quản lý chặt việc xuất khẩu khoáng sản, không xuất khẩu quặng thô, tinh quặng; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện việc xuất khẩu khoáng sản.
Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý việc khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng. Việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và xi măng phải gắn liền với bảo vệ môi trường, cảnh quan và an toàn lao động.
Ngăn chặn kịp thời hiện tượng xuất khẩu, buôn lậu khoáng sản
Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng nêu rõ, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tổ chức kiểm tra và có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn việc gian lân thương mại trong xuất khẩu khoáng sản; đảm bảo thủ tục chặt chẽ; rà soát và ban hành hướng dẫn việc xử lý khoáng sản bị thu giữ.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hiện tượng xuất khẩu khoáng sản, đặc biệt là thông qua đường biển.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an (đặc biệt là Công an các tỉnh biên giới), phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan, nhất là đối với lực lượng Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng tăng cường đấu tranh và ngăn chặn các loại tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản.
Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển, bến bãi, cảng biển tập kết khoáng sản; chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh việc đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản theo Quy hoạch được duyệt; tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến thu mua, vận chuyển khoáng sản phục vụ cho chế biến sâu trong nước; tăng cường quản lý việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010; chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng trên địa bàn đẩy mạnh việc kiểm tra và ngăn chặn, xử lý kịp thời việc khai thác, vận chuyển và xuất khẩu khoáng sản trái phép trên địa bàn…
Thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các trường hợp không triển khai dự án chế biến sâu
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các dự án khai thác khoáng sản đang hoạt động, đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với các trường hợp không triển khai dự án chế biến sâu theo cam kết, khai thác gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường, trực tiếp gây hư hỏng hạ tầng kỹ thuật, mất an ninh trật tự gây bức xúc cho nhân dân nơi có khoáng sản…
Thủ tướng cho phép tiếp tục thẩm định, cấp phép đối với các hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đã tiếp nhận trước ngày 1/7/2011, phù hợp với Quy hoạch đã được phê duyệt hoặc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương; có cam kết về địa chỉ sử dụng hoặc gắn với dự án đầu tư chế biến sâu, đủ điều kiện pháp lý, không trái với các quy định nêu trên.