ThienNhien.Net – Đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Thông tư quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt ngày 4/1.
Thông tư áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cộng đồng, cá nhân có hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữ lâm sản, và sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký, tức vào ngày 18/02/2012.
Theo đó, muốn đảm bảo nguồn gốc lâm sản hợp pháp trong quá trình khai thác, kinh doanh, chế biến…, các nhóm đối tượng, tức chủ lâm sản phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đề nghị xác nhận lâm sản tại cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là tại các Hạt kiểm lâm hoặc Chi cục kiểm lâm.
Hồ sơ đề nghị xác nhận bao gồm bảng kê lâm sản, hóa đơn bán hàng theo quy định và các tài liệu về nguồn gốc lâm sản. Trường hợp lâm sản được mua từ nhiều đối tượng, người mua buộc phải lập bảng kê lâm sản kèm chữ ký xác nhận của đại diện bên bán.
Thời gian xác nhận lâm sản và trả kết quả không quá 03 ngày kể từ khi cơ quan thẩm quyền nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần xác minh về nguồn gốc lâm sản trước khi xác nhận thì cơ quan báo cho chủ lâm sản kiểm tra lại, thời gian xác nhận lâm sản trong trường hợp này tối đa không quá 05 ngày.
Ngoài những quy định cụ thể trong việc xác nhận hồ sơ lâm sản, Thông tư cũng quy định chi tiết cách thức và nội dung kiểm tra lâm sản trong quá trình khai thác, lưu thông hoặc tại các cơ sở chế biến, kinh doanh.
Cụ thể, trong quá trình khai thác, các cơ quan chức năng có quyền kiểm tra toàn bộ hiện trường hoặc chọn ngẫu nhiên tối thiểu 30% diện tích rừng được phép khai thác, sau đó đối chiếu đối chiếu hồ sơ khai thác với lâm sản khai thác thực tế.
Ngược lại, việc kiểm tra tại cơ sở chế biến, kinh doanh hoặc trong quá trình lâm sản được lưu thông thì tập trung làm rõ hồ sơ lâm sản, số lượng lâm sản tại hiện trường, đặc biệt là kiểm tra dấu búa kiểm lâm đối với gỗ phải đóng búa kiểm lâm.
Riêng đối với việc kiểm tra cơ sở gây nuôi động vật rừng, Thông tư quy định rõ, công chức kiểm lâm kiểm tra phải có văn bản của Thủ trưởng cơ quan, nội dung kiểm tra gồm giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi, điều kiện chuồng trại, nguồn gốc động vật, vệ sinh môi trường; hồ sơ nhập, xuất động vật rừng; động vật rừng đang nuôi.