ThienNhien.Net – Lào Cai là một trong những địa phương có diện tích trồng thảo quả lớn nhất cả nước với trên 7.000ha, trong đó có hơn 4.000 ha đang cho thu hoạch. Người dân Lào Cai coi loại cây này như “thứ cây bạc tỷ”, mang lại cuộc sống sung túc cho biết bao hộ gia đình, tuy nhiên, đằng sau những điều tích cực ấy là hệ lụy khôn lường đối với những cánh rừng già nguyên sinh, nhiều diện tích rừng đang bị tỉa thưa trông thấy để lấy củi sấy thảo quả.
Theo một vài hộ dân, gần đây đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai trồng nhiều thảo quả để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Những vạt rừng già nguyên sinh mát mẻ, có độ ẩm và độ mùn cao thường được bà con người Mông chọn là nơi trồng thảo quả. Nhưng đến mùa thu hoạch, người dân không vận chuyển quả tươi về ngay vì đường đi lại khó khăn, quả chín dễ bị dập nát. Họ chặt luôn những cây gỗ nhỏ cạnh nơi trồng và đốt lò “dã chiến” tại rừng để sấy khô trước khi mang thảo quả về, hết gỗ là họ lại chuyển sang vùng rừng nguyên sinh khác.
Trong tháng 2/2010, Lào Cai từng xảy ra một vụ cháy thiêu rụi hơn 700 ha rừng tại vùng trồng nhiều thảo quả.
Cũng theo người dân địa phương, tại những vùng trồng thảo quả, loại cây này thường tiết ra một loại nhựa thơm thấm vào đất khiến các cây khác không thể sinh trưởng được. Phải mất ít nhất 4-5 năm, những vùng đất “chết” này mới có thể hồi sinh.
Chia sẻ với Nông thôn ngày nay ngày 9/01, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lào Cai Nguyễn Thị Dung cho biết, Trung tâm không khuyến khích bà con trồng thảo quả vì e ngại nguy cơ người dân phá rừng lấy đất trồng và lấy cả gỗ để sấy thảo quả.