Đấu giá sẽ giúp hợp thức hóa động vật hoang dã buôn bán trái phép

Ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Ảnh: Văn Hoàng)

ThienNhien.Net – Những tháng cuối năm cũng là thời kỳ cao điểm của hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD). Hàng loạt vụ vi phạm, bắt giữ đã được các cơ quan chức năng và báo chí ghi nhận. Song, đằng sau những nỗ lực ấy, việc xử lý tang vật ĐVHD tịch thu được của nhiều vụ việc bằng cách vội vàng bán đấu giá khiến người ta không khỏi thắc mắc: xử lý nửa vời như vậy liệu có phản tác dụng? Đây cũng là bức xúc của ông Trần Việt Hưng, vị Phó Giám đốc trẻ nhưng đầy nhiệt huyết của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV).

– Có một vụ việc đáng lưu ý gần đây diễn ra vào cuối tháng 12, khi công an kinh tế Hà Tĩnh bắt giữ gần hai tấn ĐVHD và chuyển giao cho kiểm lâm tỉnh, hầu hết là động vật thuộc nhóm hạn chế khai thác, buôn bán vì mục đích thương mại, song số ĐVHD đó đã được hóa giá một cách nhanh chóng, gọn gàng, như báo chí đưa tin thì ” Hội đồng bán đấu giá của tỉnh Hà Tĩnh tổ chức bán đấu giá ngay trong đêm”. Ông có cho rằng đằng sau quy trình xử lý này có những điều cần xem xét?

Ông Trần Việt Hưng: Vâng, tôi đã nhận được thông tin như vậy về trường hợp ở Hà Tĩnh gần đây. Đáng tiếc là việc bán đấu giá ĐVHD như thế này xảy ra không ít. Hầu hết các vụ bán đấu giá ĐVHD thu được từ các vụ vi phạm đều được tiến hành rốt ráo trong vòng một hoặc hai ngày sau khi bị phát hiện và thu giữ.

Có nhiều vấn đề đáng bàn ở đây. ĐVHD là một loại hàng hóa siêu lợi nhuận, người ta từng so sánh nó với các thứ hàng “quốc cấm” như ma túy, vũ khí… Việc đưa nó trở lại thị trường hoặc đến tay người tiêu dùng bằng cách bán đấu giá sẽ vô tình kích thích nhu cầu tiêu thụ và hoạt động mua – bán thứ hàng hóa này. Hay nói một cách khác, nếu nhìn vào chuỗi giá trị của ĐVHD từ khi bị bắt ở trong rừng cho đến điểm kết thúc là người tiêu dùng, việc bán đấu giá biến nhà chức trách trở thành một mắt xích thành viên trong chuỗi đó.

Vì sao việc bán đấu giá thường hoàn tất nhanh chóng? Một trong những lý do quan trọng là do tính chất đặc thù của tang vật – là các loài động vật còn sống. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, hẳn thông tin đã được loan đi rất nhanh, và “có ai đó dường như chờ sẵn”, chỉ đợi phê duyệt cho phép đấu giá. Không ít người mua lại ĐVHD tịch thu là chủ các trang trại nhân nuôi ĐVHD để kinh doanh. Lâu nay, những đối tượng này được để ý hơn vì một số cuộc khảo sát về nguồn gốc ĐVHD nhân nuôi cho thấy nhiều chủ trại không chứng minh được tính hợp pháp của số động vật mà họ nuôi nhốt. Người ta sẽ đặt câu hỏi giữa cán bộ công quyền và những cá nhân mua lại ĐVHD liệu kia có mối liên hệ nào khác.

Cơ quan chức năng Thanh Hóa tiêu hủy 02 cá thể hổ chết ở một cơ sở nuôi nhốt. (Ảnh: ENV)

– Nhìn theo khía cạnh pháp lý, việc bán đấu giá ĐVHD có là sai?

Ông Trần Việt Hưng: Pháp luật hiện hành có quy định cho phép bán ĐVHD sau tịch thu, việc làm này chưa chắc đã sai, tuy nhiên rất có thể là một kiểu lách luật.

Nếu nhìn vào Khoản 2, Điều 9 của Nghị định 32 (*) sẽ thấy pháp luật quy định cho phép hoạt động chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại đối với các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm II B. Khoản này nêu rõ phải thỏa mãn điều kiện là ĐVHD không còn khả năng cứu hộ hay không thể thả lại môi trường, tuy nhiên, quy định như vậy vẫn chưa thực sự chặt chẽ và dễ bị thực hiện khác.

Cũng tương tự như vậy, trong Thông tư 90 (**) hướng dẫn Nghị định 32 có đưa ra các tình huống xử lý tang vật là ĐVHD. Trong quá trình xử lý, cơ quan chức năng sẽ phải áp dụng theo nguyên tắc thực hiện từ trên xuống dưới, khi không xử lý được bằng biện pháp trước mới xem xét áp dụng biện pháp kế tiếp. Biện pháp ưu tiên hàng đầu là trả về tự nhiên, nếu không khả thi, động vật bị thương hay ốm thì đưa vào trung tâm cứu hộ. Nếu cả hai biện pháp trên không thể áp dụng thì chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở giáo dục môi trường. Việc bán lại cho các cơ sở, cá nhân luôn là lựa chọn gần cuối, chỉ trước biện pháp tiêu hủy. Nhưng trong thực tế, người ta ưa bán đấu giá hơn và sẽ tìm những lý lẽ bao biện, đơn giản chỉ vì nó mang lại nguồn thu trước mắt, lại đỡ phiền hà.

Rõ ràng như vậy là không ổn. Ngoài việc tạo điều kiện hợp pháp hóa các sản phẩm phi pháp, bán đấu giá khiến bản thân cơ quan chức năng đi ngược lại với chính chức năng của họ và nỗ lực của toàn xã hội là ngăn chặn các hoạt động buôn bán ĐVHD, bảo vệ và duy trì các loài quý hiếm có trong sách Đỏ, các loài được bảo vệ theo Nghị Định 32/2006/NĐ-CP.

– Nghĩa là chúng ta không thể ủng hộ việc bán đấu giá ĐVHD?

Ông Trần Việt Hưng: Với góc độ người làm bảo tồn, tôi cho rằng nên loại bỏ biện pháp bán ĐVHD sau tịch thu, đồng thời cần giám sát các đơn vị thực hiện tốt hơn quy trình xử lý tang vật tịch thu trong các vụ vi phạm mà quy định đã đề ra. Để có thể làm được điều đó, sẽ cần đầu tư nhất định nhưng đó là việc làm cần thiết và không nên coi nhẹ. Tôi kiến nghị trong mọi trường hợp nên kiên quyết không bán đấu giá tang vật là ĐVHD.

– Chân thành cám ơn ông!

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) là tổ chức phi chính phủ đầu tiên ở Việt Nam chuyên về lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên, môi trường và cũng là đơn vị đầu tiên thiết lập đường dây nóng miễn phí tiếp nhận và xử lý thông tin về vi phạm liên quan tới ĐVHD. Sau 6 năm hoạt động, đường dây nóng của ENV đã ghi nhận gần 4.000 vụ vi phạm về ĐVHD trên khắp cả nước. Các vụ việc sẽ được chuyển giao cho cơ quan chức năng liên quan xử lý hoặc do chính cán bộ ENV xử lý tùy thuộc vào tính chất vụ việc.ENV hiện duy trì mạng lưới tình nguyện viên Bảo vệ ĐVHD với trên 3.200 thành viên trẻ, hoạt động trên 32 tỉnh thành tập trung nhiều vi phạm về ĐVHD. Các thành viên trong mạng lưới được tập huấn giới thiệu về mối nguy hại của nạn buôn bán ĐVHD ở Việt Nam, nhận dạng xử lý nhanh một số vụ việc và thực hành tìm hiểu thông tin, giải cứu ĐVHD. Thông qua mạng lưới cộng tác viên đông đảo này của ENV, nhiều người dân đã quan tâm hơn đến số phận ĐVHD trong tự nhiên và không còn xa lạ với số điện thoại miễn phí 18001522.

 

*Nghị định của Chính phủ số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm

**Thông tư số 90/2008/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 28 tháng 8 năm 2009 hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu