ThienNhien.Net – Sau hàng loạt bài phản ánh được đăng tải trên ThienNhien.Net cùng các phương tiện thông tin đại chúng, nạn khai thác vàng trái phép trên đất ruộng tại nhiều xã thuộc huyện Ngân Sơn, Na Rì của tỉnh Bắc Kạn vẫn không ngưng nghỉ, thậm chí ngày càng rầm rộ và ngang nhiên hơn, bất chấp mọi hệ lụy có thể gây ra đối với môi trường, kinh tế và xã hội tại địa phương.
Thời điểm từ sau thu hoạch vụ mùa tới Tết Nguyên đán thường là khoảng thời gian rảnh rỗi nhất trong năm, vì vậy thật không khó hiểu khi càng về những ngày cận Tết, hoạt động khai thác vàng trái phép tại Thuần Mang, một xã nghèo thuộc huyện Ngân Sơn càng trở nên náo nhiệt.
Trở lại Thuần Mang vào chiều 28/12, chúng tôi ghi nhận một khung cảnh làm việc hăng say của những người đào vàng. Tất cả đều hối hả, hì hục đào từng mét vuông đất ruộng mong tìm được chút ít vàng vụn. Không ít điểm còn công khai hoạt động ngay cạnh đường nhựa, cách trụ sở UBND xã chỉ chừng 1km.
Riêng dọc trục đường 252B hướng Thuần Mang – Thượng Quan đã có tới 7 điểm khai thác vàng trái phép trên đất ruộng, những thửa ruộng vẫn còn trắng gốc dạ nhưng lần lượt được đào bới, bóc tách từng lớp đất màu mỡ, đắp thành những ụ cao 3-4m, rộng hàng chục mét, hàng loạt những ao, hố sâu gần chục mét cũng được hình thành bất đắc dĩ trên những mảnh đất bằng.
Khác với một vài năm trước, người dân thường chọn những địa điểm cạnh suối hoặc dọc suối để đào đãi vàng thì nay, nhiều hộ sẵn sàng cày xới trên chính những thửa ruộng bờ xôi ruộng mật vốn là tư liệu sản xuất quý giá nhất của gia đình mình.
Điều đáng nói là họ không chỉ dừng ở việc khai thác thủ công, nhỏ lẻ mà không ít hộ đã chủ động hợp tác với “vàng tặc”, đưa cả máy xúc cỡ lớn, máy bơm cao tốc và sàn tuyển vào để đào đãi vàng trên quy mô lớn.
Nguy hiểm hơn, “cơn lốc” lật ruộng tìm vàng còn lan tới cả chân đập thuỷ lợi Phi Pan, công trình thuỷ lợi thuộc xã được xây dựng từ năm 2003 do Ban quản lý dự án Cao Bằng – Bắc Kạn làm chủ đầu tư. Thủy lợi Phi Pan được xây dựng với tổng kinh phí hàng tỷ đồng cùng sự đóng góp hàng trăm ngày công của nhân dân trong xã nhằm phục vụ nước tưới cho hơn 20 ha đất nông nghiệp, tuy nhiên, hoạt động khai thác vàng trái phép ngay dưới chân đập đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến bờ đập, gây nguy cơ sụt lún chân đập nghiêm trọng.
Thẳng thắn thừa nhận thực trạng này nhưng ông Đào Viết Hưng – Chủ tịch UBND xã Thuần Mang cũng cho biết, hiện chính quyền địa phương vẫn chưa thể tìm ra biện pháp hiệu quả nhằm dẹp yên nạn “vàng tặc”.
Ông cho biết: “Nạn khai thác vàng trái phép đã diễn ra từ nhiều năm trên địa bàn, đến thời điểm này, xã thống kê có khoảng hơn 1ha đất nông nghiệp bị xâm hại, đặc biệt từ tháng 10/2011 trở lại đây có thêm nhiều diện tích ruộng tiếp tục bị đào xới để đào vàng trái phép. Tuy một vài địa điểm cách trụ sở xã không xa nhưng do điểm nào cũng có sự tham gia của người dân nên rất khó dẹp, hoạt động khai thác lại chủ yếu diễn ra vào ban đêm, và bản thân người dân cũng tự nguyện hợp tác với các bưởng vàng theo tỷ lệ ăn chia 30/50, tùy theo từng giá trị thửa ruộng”.
Mặc dù xã đã thành lập tổ truy quét nhưng chức năng của tổ chỉ dừng ở việc kiểm tra, nhắc nhở và báo cáo lên cấp trên chứ không có chế tài xử phạt riêng, do đó nạn “vàng tặc” càng ngày càng bùng phát mạnh.
Được biết, địa phương đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên nhưng kêu nhiều mà giải quyết chẳng bao nhiêu. Kết quả là hàng loạt các cánh đồng ở Nà Mu, Bản Giang, Bản Lim… vẫn hàng ngày bị xới lật, nhất là mỗi khi đêm về.
Tiếng máy xúc gầm rú, tiếng máy bơm, máy nổ cả đêm, chính quyền địa phương biết, người dân cũng biết, nhưng chẳng có cơ quan chức năng nào chịu đứng ra xử lý triệt để (?!)