ThienNhien.Net – Hiện nay các dự án Giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng kết hợp Bảo tồn, Quản lý bền vững, Tăng dự trữ các-bon (REDD+) đang đứng trước rất nhiều thách thức. Song dẫu sao cũng không nên từ bỏ những giải pháp dựa trên thị trường kiểu như REDD+ mà cần tìm những giải pháp để khắc phục trở ngại- Ben Caldecott thuộc Quỹ chống Biến đổi Khí hậu (Climate Change Capital) nhận định.
Theo Ben Caldecott, loài người sẽ chẳng thể loại trừ được biến đổi khí hậu hay vượt qua những thách thức khác nếu không ngừng phá rừng và theo ông, không thể áp đặt giá trị tiền tệ đơn thuần lên những cánh rừng mà cần thay đổi những ưu tiên hướng tới bảo tồn rừng một cách hiệu quả hơn trong tương lai. Cùng với quan điểm đó, ông đưa ra các giải pháp nhằm “gỡ rối” cho cơ chế REDD+ vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Trước tiên, chi phí bảo tồn và phục hồi rừng phải được tất cả các đối tượng hưởng lợi trên hành tinh này cùng chia sẻ, gánh vác. Để những khu vực giàu hơn đứng ra chi trả phần lớn lượng đầu tư cần thiết, nên xã hội hóa những chi phí dành cho REDD+ thông qua các công cụ, bao gồm hệ thống thuế, đóng góp từ thiện cùng các cơ chế thu giữ và mua bán khí các-bon. Riêng cơ chế thu giữ – mua bán khí các-bon nên đóng vai trò lớn nhất bởi nó buộc các đối tượng gây ô nhiễm phải chi trả.
Chỉ tiếc là hiện chúng ta vẫn còn cách xa những mục tiêu này. Mặc dù rất cần đến một thị trường các-bon quốc tế có thể điều hành REDD+, song trong tương lai gần, các khoản chi trả trực tiếp từ các nước phát triển và các quỹ đa phương vẫn sẽ chiếm ưu thế. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều khả năng chúng ta sẽ không thể nâng được lượng vốn cần thiết để vận hành REDD+.
Nhưng dẫu sao thì khoản tài chính công có hạn trên vẫn có thể làm được nhiều điều nếu nó được triển khai hiệu quả. Các quỹ như Quỹ Biến đổi Khí hậu Quốc tế (ICF) của Vương quốc Anh và Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) có thể xây dựng nền móng để REDD+ tăng tốc nhanh chóng khi đã xuất hiện một thị trường các-bon quốc tế giúp gia tăng đáng kể nguồn tài chính cho các hoạt động của REDD+.
Trong bối cảnh thiếu vắng một thị trường như vậy, các cơ chế khác được hỗ trợ bởi nguồn tài chính công có khả năng tạo xúc tác đầu tư trong bảo tồn và phục hồi rừng sẽ sớm được thiết lập và ra mắt vào đầu năm 2012. Chẳng có lý do gì để chúng bị trì hoãn khi nguồn tài chính đã được bảo đảm và yêu cầu đang ngày một bức thiết.
Cái gọi là các Cơ chế Bảo hiểm Giảm thải (Emission Reduction Underwriting Mechanisms – ERUMs) sẽ là một phương thức hết sức hiệu quả để tạo ra các dòng thu nhập cần thiết biến các dự án và chương trình REDD+ trở nên kinh tế, và do đó khả thi về mặt tài chính. ERUMs sẽ bảo đảm các khoản chi cho giảm thải từ các hoạt động của REDD+ được chứng thực là đang áp dụng một hệ thống giám sát, xác minh và báo cáo (MRV) của Liên Hợp quốc (UN). Bằng cách gây vốn bảo đảm cho các chương trình, dự án có thể xác minh được lượng giảm thải, ERUMs cũng sẽ thúc đẩy các chủ thể công – tư ở các nước đang phát triển gia tăng nguồn vốn dựa vào nguồn thu tương lai của họ.
Đơn cử, quỹ khí hậu Anh quốc có thể cấp một chứng nhận ERUM cho 10 triệu tấn khí thải được cắt giảm từ các hoạt động REDD+ tại Papua (Indonesia). Từ đó, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sẽ tiến hành ra giá để giành lấy ERUM như một phần trong tiến trình đấu thầu. Mức giá thấp nhất và tốt nhất đang dừng lại ở 5 USD/mỗi tấn phát thải CO2 được cắt giảm và mức giá này dành cho một loạt dự án REDD+ quy mô nhỏ trên khắp địa bàn tỉnh Papua.
Khi chương trình công bố lượng giảm thải có thể xác minh, nó sẽ nhận được một khoản chi trả theo hợp đồng từ quỹ khí hậu Anh quốc với định mức 5 USD trên mỗi tấn CO2 cắt giảm được. Cứ như thế, điều này sẽ nhanh chóng hình thành một dòng thu nhập thực tế dài hạn, có thể dự tính được đầu tư ngược trở lại cho các hoạt động của REDD+.
Ngoài ra, việc bảo tồn rừng có thành công hay không còn liên quan đến việc giải quyết cân bằng hàng loạt các nhóm lợi ích liên quan đến rừng: giữa các cá nhân, các cộng đồng sống trong hoặc quanh khu vực rừng; chính quyền địa phương (có thể thiếu nhiệt huyết hoặc năng lực); và chính quyền trung ương (luôn tìm kiếm sự tăng trưởng kinh tế và có thể đánh đổi các giá trị sinh thái). Do đó, nếu không có sự hỗ trợ bền vững từ tất cả những chủ thể nói trên thì các dự án và chương trình REDD+ sẽ khó đi đến thành công.
Hơn nữa, cũng cần khuyến khích vai trò của tư nhân trong việc gây quỹ cho các hoạt động của REDD+ để nâng cao hiệu quả của các chương trình REDD+.
Tuy nhiên, việc tạo ra dòng vốn đầu tư cho các hoạt động của REDD+ thông qua ERUMs và thị trường các-bon quốc tế chỉ là một phần câu chuyện. Trong câu chuyện ấy, vấn đề chi trả cho những cộng đồng bảo vệ rừng cũng hết sức quan trọng.
Trên lý thuyết, các khoản chi trả cho REDD+ và nhiều lợi ích khác xuất phát từ những khu rừng còn nguyên vẹn (như giá trị tinh thần, đa dạng sinh học, không khí sạch, nước sạch và lương thực) nên đủ sức nặng để thuyết phục người dân và các chính quyền địa phương đứng lên bảo vệ rừng. Song, nếu không có chứng nhận quyền sở hữu, các cộng đồng bảo vệ rừng tham gia REDD+ khó có thể tiếp cận với nguồn tài chính từ chương trình này. Vì vậy, bảo đảm rằng các cá nhân và cộng đồng có tầm quan trọng trong bảo tồn rừng thực sự nhận được các khoản tài chính và tiếp nhận các ưu đãi khác để bảo vệ rừng sẽ là một phần có tính quyết định trong sự thành công của bất kỳ dự án REDD+ nào.
Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 17 (COP 17) diễn ra từ ngày 28/11 đến 11/12/2011 tại Durban (Nam Phi), các đại biểu tham dự vẫn không đạt được thỏa thuận về một quyết định liên quan tới vấn đề đầu tư tài chính cho cơ chế REDD+ mà tiếp tục trì hoãn quyết định đến COP 18 tại Qatar. Chỉ duy có một điểm sáng trong vòng đàm phán về tài chính là đã nâng tầm vai trò nguồn đầu tư dài hạn từ khu vực tư nhân, đồng thời nhận định rằng các hướng tiếp cận dựa vào thị trường có thể sẽ tiến triển trong thời gian tới. |