ThienNhien.Net – Tính đến 31/12/2009, ngành khai thác khoáng sản của Cao Bằng có số lượng doanh nghiệp nhiều thứ 3, chiếm 16% tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, các khoản thuế, phí đóng góp chỉ chiếm khoảng 6% ngân sách địa phương.
Kỳ 6: Bài toán kinh tế
Tháng 7/2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Nghị quyết số 65/2011/NQ-HĐND thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Cao Bằng gia đoạn 2011 – 2015, có xét đến năm 2020, trong đó xác định bốn loại khoáng sản được dự báo có trữ lượng lớn là quặng sắt, quặng mangan, quặng barit và quặng thiếc – vonfram. Quặng sắt có trữ lượng lớn nhất với dự báo 44,75 triệu tấn, tổng nhu cầu sử dụng đến năm 2020 khoảng 10 triệu tấn. Câu hỏi đặt ra là liệu với việc đề ra quy hoạch như vậy, Cao Bằng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngành khoáng sản như thế nào để góp phần nâng cao kinh tế địa phương?
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng, tính đến 31/12/2009, ngành khai khoáng có 95 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ngành đứng thứ 3, chiếm 16% tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, các khoản thuế, phí chỉ chiếm khoảng 6% ngân sách, không nằm trong số các ngành có nhiều đóng góp cho kinh tế địa phương.
Âu đây cũng là một hệ quả từ một thực tế mà chúng tôi đã phản ảnh trong các bài trước, về tình trạng khai thác tự phát và xuất thô quặng qua con đường tiểu ngạch, trong khi hàng loạt nhà máy chế biến được xây lên để “đắp chiếu”, bên cạnh đó là những chiêu lách luật, kê khai sản lượng thiếu trung thực của doanh nghiệp được cấp phép.
Theo số liệu của Cục thuế tỉnh Cao Bằng, trong năm 2010, có 22 doanh nghiệp khoáng sản đóng góp cho ngân sách của tỉnh, số tiền xấp xỉ 53 tỷ đồng, trong đó thuế tài nguyên 17, 6 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 1,43 tỉ đồng đồng và phí bảo vệ môi trường 16,4 tỉ đồng.
Ngày 19/5/2011, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng ra Quyết định số 883/QĐ-UBND quy định tạm thời cơ chế thu thuế, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, việc tính thuế, phí bảo vệ môi trường được xác định sẽ dựa trên sản lượng thực tế và tạm thời ấn định sản lượng theo công suất ghi trong giấy phép khai thác. Mức ấn định sản lượng tối thiểu đối với quặng sắt là 80% công suất ghi trong giấy phép khai thác, quặng Mangan – 60%, các loại khoáng sản khác – 50%.
Riêng các doanh nghiệp được cấp mỏ nhưng chưa khai thác hoặc chuẩn bị đưa vào khai thác phải thực hiện cam kết với cơ quan cấp phép về thời gian khai thác, căn cứ vào thời điểm đơn vị cam kết khai thác, Cơ quan Thuế thực hiện ấn định sản lượng tối thiểu bằng 50% công suất khai thác ghi trong giấy phép khai thác (tính 50% trong thời hạn 6 tháng) để tính các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường phải nộp ngân sách nhà nước.
Quyết định này cũng quy định xử lý nghiêm các vi phạm của doanh nghiệp khoáng sản như không kê khai, kê khai thiếu sản lượng, dây dưa các khoản phải nộp ngân sách nhà nước…thậm chí sẽ thu hồi giấy phép khai thác.
Việc liên tục ban hành các văn bản, chính sách cho thấy nỗ lực lớn của tỉnh nhằm siết chặt quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn. Mặc dầu vậy, những quy định trên giấy tờ kia chưa đủ để đảm bảo rằng Cao Bằng sẽ lập lại được trật tự trong khai thác khoáng sản trong thời gian trước mắt.
*Quyết định 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 của Thủ tướng CP về việc Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.