Kỳ 5: Nhà máy đắp chiếu, dân thiếu việc làm
ThienNhien.Net – Báo chí đã đưa ra những hình ảnh và con số thuyết phục cho thấy mỗi ngày Cao Bằng bị “chảy máu” hàng nghìn tấn khoáng sản thô qua biên giới, ấy vậy mà không ít nhà máy chế biến khoáng sản nằm trên địa bàn tỉnh xây xong đã vài năm nhưng hoạt động cầm chừng, kêu không đủ nguyên liệu. Hàng ngàn người dân tỉnh Cao Bằng đang thiếu việc làm thường xuyên. Vậy nguyên nhân vì đâu?
Nhiều nhà máy đắp chiếu hoặc chậm tiến độ
Gần 20 dự án chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã, đang và sắp được xây dựng. Nếu tất cả số nhà máy đó đi vào hoạt động thì cần phải có hàng triệu tấn quặng nguyên liệu mỗi năm để hoạt động.
Có mặt tại Công ty cổ phần Khoáng sản và luyện kim Việt Nam (MiRex) (công ty đầu tiên tại Việt Nam sản xuất sắt xốp và phôi thép áp dụng công nghệ mới Hoàn nguyên phi cốc) được xây dựng tại tỉnh Cao Bằng với sông suất: 100.000 tấn sắt xốp và phôi thép/năm nhiều lần trong nhiều ngày, chúng tôi chứng kiến cơ sở hạ tầng của nhà máy phần lớn đã hoàn thành, bên trong sân có tập kết quặng và một số người đi lại nhưng không thấy nhà máy hoạt động.
Còn lò luyện gang Bản Gủn, thuộc xóm Bản Gủn, xã Ngũ Lão (Hòa An, Cao Bằng) thuộc công ty Cổ phần chế biến khoáng sản Cao Sơn Hà với công suất 54.000 tấn gang/năm thì theo một số người dân sinh sống gần đó, đã nhiều năm nay từ khi lò luyện xây dựng xong chưa thấy chạy thử bao giờ.
Ngoài hai dự án trên, hiện nay tại tỉnh Cao Bằng còn Khu liên hợp gang thép Cao Bằng thuộc Công ty Cổ phần gang thép Cao Bằng với tổng mức đầu tư lên đến 1.911 tỷ đồng, trên diện tích 80ha, công suất dự kiến 221.600 tấn gang/năm được Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Trung Quốc thi công trên địa bàn xã Chu Trinh, TX. Cao Bằng cũng đang bị chậm tiến độ. Được biết, dự kiến sau thời điểm khởi công (vào tháng 4/2010) 18 tháng là nhà máy đi vào hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi, vị đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng thừa nhận trên địa bàn đúng là có một số nhà máy đã xây dựng hoàn thành, nhưng gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề nguyên liệu. Tuy nhiên, vị này cho rằng nguyên nhân là do chủ đầu tư chủ quan và do cơ chế.
Trước đây theo quy định cũ tỉnh không được cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản, việc cấp phép thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên Môi trường, ngay cả những điểm mỏ của Cao Bằng tuy nhỏ nhưng cũng phải thông qua Bộ, mà Bộ muốn cấp phép thì phải bổ sung điểm mỏ vào quy hoạch của trung ương, cho nên rất khó.
Mắc ở chỗ, chủ đầu tư muốn thăm dò cũng không thăm dò được. Mặt khác, chính chủ đầu tư không quan tâm đến thăm dò trước khi xây dựng dự án chế biến, như vậy họ sẽ không chuẩn bị được nguyên liệu, dẫn tới khi nhà máy dựng lên nhưng thiếu đầu vào, hoặc do chủ đầu tư xây dựng dự án trên nền số liệu địa chất quá cũ. Khi thực tế cấp mỏ xong vào khai thác lại không đạt được như vậy, dẫn tới thiếu nguyên liệu. Theo như báo cáo của Nhà máy Cao Sơn Hà, họ không có đủ quặng để đốt thử lò, MiRex cũng vậy. Hai đơn vị này xây dựng đã tương đối lâu rồi nhưng chưa vận hành.
Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân khác khiến cho các nhà máy chế biến chậm tiến độ, chẳng hạn Khu liên hợp gang thép Cao Bằng thuộc Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng được cấp phép đầu tư mỏ Nà Lụa (thuộc phường Tân Giang và xã Duyệt Chung, TX. Cao Bằng) theo báo cáo bị lỗi ở đường điện nên chậm.
Hàng ngàn người dân cần việc làm
Trong khi những cỗ máy được đầu tư đang dần hoen rỉ, nhà xưởng của các dự án chế biến khoáng sản ở Cao Bằng dần xuống cấp mà chưa một lần chạy thử, hàng ngàn người dân đang rất cần có việc làm. Được biết, nếu Khu liên hợp gang thép Cao Bằng đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 800 lao động, nhưng tình hình xây dựng chậm tiến độ như hiện nay thì không biết lúc nào mới hoàn thành.
Trao đổi với nhiều người dân sinh sống quanh khu vực lò luyện của Công ty Cổ phần khoáng sản Cao Sơn Hà tại bản Gủn, xã Ngũ Lão (Hòa An – Cao Bằng) hầu hết người dân đều có mong muốn lò luyện sớm đi vào hoạt động để có cơ hội vào làm việc kiếm thêm thu nhập, chứ quanh nhăm họ chỉ biết gắn bó với đồng ruộng hoặc mùa nào trong rừng có cây, hoa, quả gì hái bán được là lên rừng đem về bán, nên cái nghèo luôn đeo bám lấy họ không dứt. Nhưng đã bao năm nay họ chờ đợi trong vô vọng.
Có người đã đặt ra giả thiết rằng, nếu những người dân nghèo ấy có việc làm, có thu nhập thì chắc gì họ đã đi khai thác quặng trái phép rồi bán cho các thương buôn xuất khẩu thô qua biên giới gây thất thoát lớn về tài nguyên khoáng sản của quốc gia. Việc người dân vào các nhà máy chế biến làm công nhân còn đóng góp một khoản không nhỏ vào ngân sách của tỉnh và khối lượng quặng thô khai thác trái phép mỗi ngày đó sẽ là nguồn nguyên liệu đóng góp cho các nhà máy hoạt động.
Thế nhưng, đó chỉ là mơ ước của người dân. Còn thực tế cho thấy trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có nhiều Dự án chế biến khoáng sản vẫn đang nằm chờ.