Kỳ 4: Ai phải chịu trách nhiệm?
ThienNhien.Net – Việc khai thác khoáng sản để lại hậu quả nặng nề là điều mà bất cứ người dân Cao Bằng nào quan tâm đều đã mắt thấy, tai nghe. Vậy mà, chỉ bằng chiêu gia hạn giấy phép, đơn vị khai thác dễ dàng “ru ngủ” chính quyền địa phương và những người dân nghèo thật thà, chất phác.
Người dân cũng bị lừa
Chúng tôi có mặt tại mỏ quặng Tả Than – Hiếu Lễ thuộc địa phận xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Khu mỏ được coi là “đã làm tốt công tác hoàn thổ”, nhưng theo những gì mà chúng tôi quan sát thì đơn vị khai thác mới chỉ đổ đất đá rồi san gạt cho bằng phẳng khiến người dân không thể canh tác được, nhiều nơi vẫn còn hố sâu, bùn lầy.
Qua tìm hiểu từ người dân địa phương chúng tôi được biết mỏ Tả Than – Hiếu Lễ được khai thác từ năm 2002, sang năm 2003 doanh nghiệp Hồng Ánh bắt đầu khai thác rầm rộ, sau đó có một số công ty khác nữa được tỉnh cấp phép vào khai thác quặng mangan. Lợi dụng có trong tay giấy phép do tỉnh cấp, có doanh nghiệp đã thỏa thuận thuê đất của dân với giá bèo. Một mét vuông bước đầu là 5.000đ, có giấy tờ ký kết giữa hai bên đàng hoàng. Theo thỏa thuận, Bên B (tức công ty khai thác) chịu trách nhiệm hoàn thổ sau 3 năm.
Năm 2003 có thêm doanh nghiệp của ông Bùi Tiến Thêm kết hợp với doanh nghiệp khai thác của đơn vị Chiến Công cùng khai thác. Trước khi triển khai, họ cũng có thông qua xã, hứa hẹn sẽ có giấy thỏa thuận, giấy cam kết đàng hoàng nhưng sau này người dân chẳng thấy đâu. Mà giá thỏa thuận không đồng nhất, những người cho thuê đất đầu tiên thì chỉ được 5.000đ, hai tháng sau tăng lên 7.000đ, rồi 15.000đ,…, đến 2005 là 200.000đ/m2.
Ông Đàm Văn Cần, trước đây từng nhiều năm làm trưởng xóm Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu cho biết: “Các doanh nghiệp khai thác hứa hẹn sau khi khai thác 3 năm sẽ hoàn thổ, nhưng đến thời điểm này chưa thấy hoàn thổ gì cả. Cả xóm có hơn 90 hộ thì trên 30 hộ dân cho doanh nghiệp thuê đất hồi đó. Nhà tôi cho thuê nhiều nhất, có hai địa điểm, tổng là 8.500 mét vuông đất rẫy. Hiện tại chỗ diện tích ấy loang lổ, lồi lõm không canh tác được. Còn rất nhiều diện tích của gia đình khác hiện chưa làm gì (hoàn thổ) hết sau khai thác, để lại bãi hoang tàn. Doanh nghiệp họ lặng lẽ rút đi. Dân hỏi công việc hoàn thổ của các anh như thế nào? Họ bảo, công việc này đã được bàn giao cho đơn vị khai thác là Công ty Cổ phần mangan Cao Bằng, họ nói đã giao tiền cho đơn vị đang khai thác hoàn thổ, nhưng họ có giao tiền hay không chúng tôi không biết. Trong khi đó, người dân đang thiếu đất canh tác”.
Được biết, tổng diện tích của khu mỏ khoảng 7 ha, một phần diện tích đã được trả lại mặt bằng nhưng người dân không thể canh tác được, còn một phần diện tích đang được Công ty Cổ phần mangan Cao Bằng khai thác. Với số diện tích chưa được hoàn thổ người dân địa phương đã thông qua Hội đồng nhân dân xã, các cuộc tiếp xúc cử tri đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Vừa rồi Mặt trận tổ quốc xã Lăng Hiếu họp tiếp xúc với lãnh đạo huyện một lần nữa người dân lại kiến nghị.
Ông Hứa Văn Kiếm, 60 tuổi, có hơn 6.000 mét vuông đất vẫn chưa được hoàn thổ để canh tác ngậm ngùi như hối hận: “Lúc đầu dân chúng tôi thầm tính là thôi thì một hai năm sau lấy lại đất lại canh tác được, nghĩ đơn giản như thế, ai ngờ chục năm nay rồi, mặt bằng không có, nhiều điểm đất bùn nhão nhoét. Chúng tôi không làm giấy tờ gì hết, dân vẫn đòi hỏi nhưng các vị ấy (đơn vị khai thác, bí thư và chủ tịch xã Lăng Hiếu) bảo chúng tôi sẽ phô tô cho các bác giữ để coi đây là bằng chứng sau này còn hoàn thổ nhưng chẳng thấy đâu. Đến nay cũng chưa hoàn thổ, muốn trồng cấy phải tự túc cải tạo”.
Không riêng gì gia đình ông Cần, ông Kiếm mà nhiều hộ gia đình khác nữa cũng đang thiếu đất canh tác, trong khi quỹ đất có nhưng không thể nào canh tác được. Họ có một cái sai là hợp tác thỏa thuận cho đơn vị thuê đất để khai thác khoáng sản nhưng không được chính quyền xã chứng thực. Thế nên, bao năm nay họ chỉ biết kiến nghị và chờ đợi. Nhiều dân nghèo đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi đã bị lừa…”
Ai là người chịu trách nhiệm?
Bà con xã Lăng Hiếu và nhiều nơi khác nữa sẽ còn “dài cổ” chờ đơn vị khai thác hoàn trả đất nông nghiệp để có thể canh tác, bởi như lý giải của vị đại diện Sở Tài nguyên Môi trường về thực trạng các điểm mỏ sau khai thác thì: Mặc dù đơn vị khai thác cũ đã hết hạn nhưng lại có các đơn vị mới được cấp phép nên trách nhiệm hoàn thổ được chuyển giao lại, vì chưa hết hạn khai thác nên chưa phải trả mặt bằng và phục hồi môi trường.
Vị này thừa nhận hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hầu hết các điểm khai thác mỏ sau khi hết hạn giấy phép đều không được hoàn thổ vì lý do mỏ vẫn còn khoáng sản, đơn vị khai thác xin gia hạn, hoặc giấy phép tiếp tục được cấp theo kiểu đấu thấu từng khu mỏ cho đơn vị khác đủ tiềm lực khai thác. Trong quá trình chờ gia hạn hoặc đợi đơn vị khác vào khai thác thì không cần thiết phải hoàn thổ. Ai được cấp phép thì người đó có trách nhiệm hoàn thổ, nếu sau đó cấp cho đơn vị khác thì đơn vị cuối cùng sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về vấn đề quản lý, ông Bùi Đào Diện, Chi cục trưởng Cục bảo vệ môi trường cho biết: “Một số cơ sở vừa khai thác và phục hồi theo hình thức cuốn chiếu, hầu hết các cơ sở đều mang tính chất đó cả, trừ mỏ Nà Lũng họ cũng làm nhưng do khai thác nhiều không làm ngay được, các cơ sở nhỏ vừa làm vừa hoàn thổ. Còn hoàn thổ triệt để thì sau khi kết thúc khai thác, đóng cửa mỏ, sau đó đoàn liên ngành kiểm tra xem đúng thực tế thì mới cho đóng cửa mỏ, còn chỗ nào chưa hoàn thổ đúng quy định phải yêu cầu làm lại và trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định”.
Trong Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ, những tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải có dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản phải đảm bảo đưa môi trường tự nhiên như đất, nước, thảm thực vật, cảnh quan của toàn bộ hay từng phần khu vực mỏ sau khai thác đạt các yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường và theo đúng dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. |