ThienNhien.Net – Trên quốc lộ 34 đoạn qua thị trấn huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) trong suốt thời gian qua đã hình thành lên những điểm tập kết và buôn bán quặng sắt rầm rộ. Nhiều người dân ngang nhiên khai thác quặng sắt ngay ven đường đem bán. Thực trạng ấy đã gây thất thoát không nhỏ nguồn tài nguyên.
Kỳ 2: Dòng khoáng sản chảy qua biên giới
Đứng cạnh đống quặng chất ngay ven đường, một người dân sinh sống ở đây cho biết thời gian này vì Trung Quốc ngừng mua quặng thô nên những đống quặng này mới còn đó, chứ cứ như những tháng trước thì bao nhiêu quặng được đem về đều được xe tải trực sẵn thu mua và chở đi tiêu thụ hết ngay. Tất cả việc khai thác và thu mua đều theo mức cầu và giá cả của Trung Quốc quyết định.
Chiều ngày 12/12/2011, chúng tôi có mặt tại khu vực mỏ sắt Nà Lũng, xã Duyệt Chung (nơi xảy ra lũ bùn hồi tháng 11 năm 2010), xung quanh khu mỏ thấy rất nhiều người dân địa phương đang khai thác quặng sắt tự phát, phương tiện khai thác còn thô sơ. Qua hỏi han, chúng tôi được biết quặng sẽ được chở bằng xe máy về một bãi tập kết ở đầu xòm Bẫy, xã Duyệt Chung (TX. Cao Bằng), đầu nậu đứng ra thu mua là một người đàn ông họ Lê.
Chúng tôi vào nhà Lê Văn V, nghe nói là cháu ruột của đầu nậu kia. V. là một thanh niên có dáng người đậm. V cho biết anh tốt nghiệp ngành xây dựng và cũng từng tham gia một số công trình xây dựng ở Hà Nội với mức lương 4 – 5 triệu. V. bảo: “Làm việc ở Hà Nội lương thấp quá nên mình về quê làm ruộng, tranh thủ lúc nông nhàn khai thác ít quặng sẵn ngay trong vườn nhà, đem bán cũng có khoản thu. Thi thoảng hết tiền lại chở vài tạ đi bán là đủ tiền uống rượu”.
Ngày 10/8/2011 UBND tỉnh Cao Bằng ra văn bản số 1573/UBND-CN về việc Tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản. Đây là một trong những nỗ lực của địa phương nhằm giải tỏa, ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác, thu gom, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn. |
Ngồi bên cạnh hai đống quặng lớn, V. cho biết số quặng sắt ấy nặng chừng hơn 10 tấn, với giá thị trường hiện nay 700đ/kg thì chỗ đó cũng ngót 10 triệu đồng. “Nghe nói tỉnh mình đã cấm khai thác quặng rồi mà?” – chúng tôi hỏi. “Em biết đâu, thấy mọi người thu thì em làm, em gom về để đấy thôi. Em vẫn làm suốt từ trước khi đi học nghề dưới xuôi. Thậm chí giờ em còn cân quặng bằng tay bán, quen rồi” – V. trả lời.
Khi chúng tôi hỏi hỏi V. lấy quặng đem bán chính quyền địa phương có biết không, anh thản nhiên trả lời: “Chính quyền họ ở ngoài làm sao biết được, người dân ở đây đa số là lấy quặng trên đất của nhà. Mình có làm ảnh hưởng đến môi trường cuộc sống của ai đâu, như những người khai thác ven sông suối gây ô nhiễm nguồn nước mới sợ chứ. Ở đây chỗ nào mà chẳng có quặng, ngay cả mấy đứa trẻ tranh thủ buổi trưa đi học về nhặt quặng trên đường đem bán cũng được mấy chục nghìn, tha hồ mà ăn quà. Còn người lớn thì thỉnh thoảng làm tí, kiếm ít tiền đóng học cho con”.
Hàng nghìn tấn quặng chờ xuất ngoại
Cũng theo anh V., mấy tháng trước Trung Quốc thu mua quặng với giá cao, từ 1.200 – 1.400đ/kg nên rất nhiều người đi làm, gần đây giá quặng xuống còn 700đ/kg nên người dân chủ yếu mang về gom ở nhà, đợi được giá thì bán.
Khi ấy, dân tứ xứ từ đâu cứ ùn ùn đổ về, lật tung hết cả ruộng vườn Duyệt Chung, có thời điểm đội quân khai thác lên đến 400 – 500 người.
Cách đó không xa, trên địa phận xã Hòa Chung (cũng thuộc thị xã Cao Bằng) đoạn vào mỏ sắt Kéo Mơ cũng có rất nhiều tải quặng được người dân đem về tập kết gần nhà chờ được giá mới bán.
Đi qua thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, chúng tôi cũng tận mắt chứng kiến trên một quả đồi giữa xóm là hàng trăm tải quặng sắt được tập kết chờ tiêu thụ. Theo nhiều người dân xóm Hào Lịch thì do giá quặng thấp cộng với việc tỉnh thắt chặt quản lý nên quặng không xuất được, không có ai thu mua, chứ hồi tháng 9, 10 có ngày vài lượt xe ra vào thôn chở quặng đi tiêu thụ.
Ở thôn Hào Lịch, người ta đã đào xới cả một quả đồi giữa xóm để lấy quặng. Được biết, tại nơi này vào khoảng những năm 2000 một đơn vị đã vào khai thác nhưng sau đó họ lại rút đi. Mấy năm gần đây, do quặng sắt được giá hàng chục hộ dân trong xóm đã kéo nhau lên khai thác lại.
Ông Lê Quang Tấn, Chủ tịch xã Hoàng Tung cho biết: “Việc khai thác quặng ở xóm Hào Lịch chính quyền có biết nhưng đó là đất của dân, dân khai thác trong vườn nhà mình mà không ảnh hưởng đến ai nên kệ họ thôi”. Được biết xóm Hào Lịch có 122 hộ, trên 400 nhân khẩu, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên khi qua mùa vụ họ lại đào vườn nhà mình lên lấy quặng bán.
Hầu hết số quặng sau khi khai thác sẽ được chở đến tập kết ở một số điểm xung quanh thị xã Cao Bằng, chờ cơ hội Trung Quốc thu mua với giá cao mới điều xe tải chở qua biên giới. Và tất nhiên, những chuyến quặng lậu được xuất thô qua biên giới chủ yếu là diễn ra vào ban đêm hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Tháng 11/2011, trên loạt bài “Chợ quặng vùng biên” báo điện tử VietNamNet, phóng viên ghi nhận chỉ tính riêng đêm 28/9/2011 đã đếm được 30 xe chở quặng lậu. Trung bình, mỗi xe chở 60 tấn. Như vậy, mỗi đêm từ mỏ sắt Nà Lủng, khoảng 2.000 tấn quặng được vận chuyển sang Trung Quốc. Có những thời điểm nhiều quặng, một đêm có tới 50 xe chuyên chở. |