ThienNhien.Net – Trong khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng với vụ lật xe thảm khốc xảy ra tại dốc Pù Huột, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An vào rạng sáng 7/12 làm 11 phu gỗ thiệt mạng thì mới đây các cơ quan chức năng lại liên tiếp phát hiện hàng loạt vụ buôn gỗ quy mô diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.
Với tổng khối lượng gỗ lên tới 400m3, được vận chuyển qua 15 toa tàu, vụ buôn gỗ từ các ga ở Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Ngãi về ga Từ Sơn (Bắc Ninh) và Gia Lâm (Hà Nội) được xem là quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tuy bị phát giác từ hơn hai tháng trước nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về lai lịch các toa gỗ cũng như các đối tượng liên quan. Hiện toàn bộ lô hàng đang được tập kết tại ga Giáp Bát (Hà Nội), chờ kết luận điều tra từ đơn vị phát hiện là Phòng An ninh Lâm nghiệp (A86) thuộc Tổng cục An ninh II, Bộ Công an.
Đáng chú ý là hầu hết gỗ trong số 400 m3 nói trên đều là gỗ thuộc loại quý hiếm, nằm trong danh mục cấm khai thác như gỗ hương, trắc, gụ, giổi, cẩm lai, chiêu liêu, trong đó có khoảng 330m3 gỗ được xẻ thành những khúc nhỏ vuông vắn, còn lại hơn 70m3 là cành, nhánh, gốc, rễ.
Thêm điểm khó hiểu trong vụ việc này là ở tất cả các ga, kể cả ga xuất phát, lô hàng đều được các cơ quan chức năng kiểm tra kĩ trước khi đưa lên tàu, và bản thân chủ lô hàng cũng đã trả toàn bộ cước vận chuyển cho phía đơn vị quản lý là Công ty vận tải hàng hóa đường sắt thuộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, song đơn vị này vẫn không phát hiện ra vụ việc.
Trong khi đó, theo nguồn tin từ Tiền Phong, một số đối tượng liên can trong vụ việc đã thừa nhận làm giả hồ sơ, hóa đơn, chứng từ và lý lịch gỗ để vận chuyển, buôn bán trái phép. Có những chứng từ khi đối chiếu với thực tế, khối lượng gỗ chênh lệch lên tới 70-80%. Đặc biệt, phần lớn số gỗ đều không có dấu búa kiểm lâm, và khi vụ việc bị phát hiện, toàn bộ các số điện thoại ghi trong hóa đơn đã không thể liên lạc. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Một vụ buôn gỗ tương tự cũng vừa bị phát hiện tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vào ngày 12/12 với tổng khối lượng 44m3, mặc dù chủ hàng là bà Đinh Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Huy (Hà Tĩnh) đã xuất trình được đầy đủ mọi giấy tờ hợp pháp, trong đó có hợp đồng mua bán gỗ với Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp và dịch vụ Hương Khê (xã Hương Lâm, huyện Hương Khê) nhưng Công an huyện Hương Khê vẫn yêu cầu tạm giữ lô hàng vì nghi số gỗ trên là gỗ lậu (chủ yếu là gỗ đã được cưa từ lâu năm), được thu gom trái phép từ người dân.
Rạng sáng 13/12, Công an huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk cũng bắt quả tang 01 xe ô tô chở hơn 30m3 gỗ xẻ hộp, bao gồm nhiều loại gỗ quý như gỗ hương, cẩm lai, căm xe. Toàn bộ số gỗ bị tịch thu do lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ.
Trước đó, ngày 4/12, tại Quảng Ngãi, Công an huyện Mộ Đức phát hiện và bắt giữ hai đối tượng chở 23 khúc gỗ cẩm lai trên một xe ô tô. Khi bị cơ quan chức năng rượt đuổi và nổ súng thị uy, các đối tượng đã chống trả bằng cách mở cửa, đạp gỗ xuống đường khiến nhiều công an viên bị thương, đặc biệt, và chủ xe chỉ chịu dừng lại khi xe bất ngờ lao vào bụi rậm.
Ngoài các sự vụ tiêu biểu kể trên, tại rất nhiều địa phương khác, các cơ quan chức năng cũng phát hiện và bắt giữ hàng loạt các vụ buôn gỗ lậu với những thủ đoạn tinh vi, trong đó không ít vụ móc nối cả với những đường dây tiêu thụ gỗ xuyên biên giới. Đặc biệt, sau vụ tai nạn kinh hoàng khiến 11 phu gỗ thiệt mạng tại Nghệ An với sự có mặt của kiểm lâm áp tải gỗ trên xe, rất nhiều người đặt câu hỏi, nếu không có sự trợ giúp đắc lực từ một bộ phận không nhỏ lực lượng kiểm lâm, hải quan, giao thông… thì liệu các lâm tặc có thể tự tung tự tác vượt qua bao chốt kiểm soát.
Vì thế, hơn lúc nào hết, các ngành chức năng cần vào cuộc kiểm soát gắt gao và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm hạn chế tình trạng buôn bán lâm sản trái phép, tàn phá tài nguyên rừng, đồng thời chấn chỉnh và thanh lọc đội ngũ cán bộ đang làm nhiệm vụ giữ gìn nguồn tài nguyên quốc gia.