ThienNhien.Net – Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 – 2020 vừa được UBND tỉnh phê duyệt với 5 giai đoạn chính, gồm: tiếp nhận và xử lý thông tin; thông báo cho các tổ chức tham gia ứng phó; huy động và triển khai ứng phó; tiến hành các biện pháp can thiệp tại hiện trường; kết thúc hoạt động ứng phó và chuẩn bị kế hoạch khôi phục dài hạn và báo cáo.
Nhằm đảm bảo an toàn trong các hoạt động liên quan đến ứng dụng kỹ thuật bức xạ, hạt nhân, nội dung Kế hoạch cũng chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của tia bức xạ đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp; thường xuyên thanh kiểm tra việc đảm bảo an toàn bức xạ đối với các cơ sở, chỉ đạo diễn tập ứng phó sự cố tại cơ sở và phối hợp diễn tập với cơ quan nhà nước…
Theo kết quả điều tra năm 2010, trên địa bàn Bình Dương hiện có 93 cơ sở có nguồn bức xạ, trong đó có 59 cơ sở y tế và 34 cơ sở công nghiệp được phân bố tại các huyện, thị. Toàn bộ nguồn bức xạ được phân theo hai nhóm chính là nhóm thiết bị bức xạ phát tia X (dùng trong chẩn đoán y tế hoặc trong công nghiệp) và nhóm các nguồn phóng xạ phát tia β và γ (ứng dụng trong công nghiệp).
Riêng tại TP.HCM, số lượng các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ cao hơn nhiều lần, trong đó có hơn 60 cơ sở công nghiệp, gần 350 cơ sở y tế sử dụng nguồn phóng xạ, hơn 20 cơ sở hoạt động kinh doanh các thiết bị phát xạ. Hiện địa phương này cũng đã hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn trước khi chính thức ban hành quyết định phê duyệt.