ThienNhien.Net – Khuyến cáo trên được Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đưa ra tại Hội nghị quốc tế “Mối đe dọa về lạm dụng thuốc trừ sâu trong hệ sinh thái lúa – Tìm kiếm giải pháp khắc phục” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các tổ chức quốc tế tổ chức tại Hà Nội ngày 16/12.
Tại Hội nghị các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo cũng như bàn các giải pháp nhằm quản lý rầy nâu vốn được coi là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nông dân trồng lúa.
Theo TS K.L. Heong, chuyên gia sinh thái côn trùng của IRRI, việc sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi. Bên cạnh đó, việc canh tác 3 vụ lúa một năm hoặc sử dụng cùng giống lúa trên một diện tích lớn trong một thời gian dài cũng có thể dẫn đến bùng phát dịch do dịch hại đã trải qua quá trình thích nghi và tích tụ quần thể.
“Các loài thiên địch như nhện, bọ xít bắt mồi, nằm trong hệ kiểm soát và cân bằng tự nhiên, có tác dụng khống chế quần thể rầy ở mức phát sinh thành dịch, khi hệ cân bằng này bị phá vỡ, rầy sẽ bùng phát thành dịch”, TS K.L. Heong cho biết thêm.
TS Bas Bouman, Trưởng phòng Cây trồng và Khoa học Môi trường (IRRI) cho biết, rầy nâu được coi là mối hiểm họa chính đối với các quốc gia sản xuất lúa gạo. Với mật độ lớn, rầy có thể gây thiệt hại lớn do chúng chích hút thân lúa, gây héo rũ và chết cây. Chúng cũng là môi giới truyền 3 loại bệnh virus làm cho cây lúa còi cọc và lép hạt. Chính vì vậy, cần phải có chiến lược quản lý dịch hại hiện nay nhằm đảm bảo ứng phó được với dịch hại bùng phát, ngăn chặn và quản lý hiệu quả dịch hại về lâu dài.
Nhằm ngăn chặn dịch hại côn trùng bùng phát và tàn phá lúa gạo, IRRI đã kêu gọi lệnh cấm sử dụng một số loại thuốc trừ sâu trong sản xuất lúa. IRRI cũng công bố bản kế hoạch hành động nhằm hạn chế thiệt hại do rầy trên lúa gây ra ở châu Á như đưa vào các yếu tố sinh cảnh như trồng hoa nhằm nuôi dưỡng và phát triển quần thể các loài thiên địch ký sinh và bắt mồi trong ruộng lúa; Đẩy mạnh việc gieo trồng đồng loạt và đảm bảo thời gian cách ly đồng ruộng tối thiểu trong một tháng giữa các vụ lúa kế tiếp; Thực hiện đa dạng hóa cây trồng cả về thời gian và không gian; Tránh đến mức tối đa việc phun thuốc trừ sâu vào đầu vụ (giai đoạn 40 ngày đầu tiên sau khi gieo sạ) nhằm tăng cường đa dạng sinh học, các dịch vụ hệ sinh thái và khả năng phục hồi; Sử dụng hợp lý giống kháng hoặc chống chịu, trong đó kết hợp các giống cơ chế chống chịu hoặc kháng sâu bệnh khác nhau, đồng thời tránh sử dụng cùng giống lúa quá 2 năm nhằm ngăn ngừa rầy phát triển tính kháng; Ngừng sử dụng một số loại thuốc trừ sâu nhất định, nhất là thuốc có chứa các hoạt chất như: cypermethrin, deltamethrin, abamectin…