Để đảm bảo an ninh nguồn nước

ThienNhien.Net – Nước là một nguồn tài nguyên vô giá, đó là điều không còn phải bàn cãi. Nhưng làm sao có thể quản lý nguồn tài nguyên vô giá này một cách hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thế giới đang ngày càng khan hiếm nguồn nước như hiện nay? Để tìm lời giải cho bài toán về an ninh nguồn nước, xin giới thiệu đến độc giả những ý kiến quý báu của cộng đồng khoa học được tập hợp trong bản tin chính sách Water Security for a planet under pressure* (Tạm dịch: An ninh nguồn nước của Trái đất đang chịu sức ép) của Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững Liên Hợp quốc (UNCSD-Rio+20), hy vọng sẽ giúp ích cho các quốc gia, các địa phương trong quá trình quản lý bền vững tài nguyên nước, phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu phát triển.

Thách thức đối với an ninh nguồn nước…

Theo Tuyên bố Cấp Bộ trưởng của Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 2 (năm 2000), an ninh nguồn nước đồng nghĩa với việc “đảm bảo rằng các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố; phát triển bền vững và ổn định chính trị sẽ được đẩy mạnh; mỗi người đều được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí vừa phải để có được một cuộc sống khỏe mạnh, sung túc và các cộng đồng dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước”.

Thế nhưng, thời gian gần đây, an ninh nguồn nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức khó lường khi mà các khu vực lớn trên thế giới đang rơi vào tình trạng thiếu nước hoặc căng thẳng trầm trọng về nước. Tình trạng ấy càng trở nên tồi tệ hơn vì dân số tăng nhanh, kinh tế phát triển và tiêu dùng quá mức, trong khi hiện trạng quản lý tài nguyên nước vẫn còn yếu kém.

Nước vẫn có đủ, chỉ thiếu do quản lý (Ảnh minh họa: Hyderconsulting.com)

Suốt thế kỷ qua, dân số toàn cầu đã tăng gấp 3 lần, song lượng sử dụng nước lại tăng tới 6 lần. Bên cạnh đó, những hoạt động của con người như dùng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp hay thải nước sinh hoạt và nước thải công nghiệp ra môi trường… cũng làm chất lượng nguồn nước bị suy giảm đáng kể.

Chưa hết, biến đổi khí hậu gần đây được cho là nguyên nhân khiến lượng mưa thay đổi, gia tăng các đợt lũ lụt và hạn hán cả về tần suất và mức độ. Tình trạng khai thác nguồn nước ngầm và việc phát triển các đập nước cũng khiến khối lượng và chất lượng tài nguyên nước suy giảm.

… đòi hỏi một giải pháp tổng thể

Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu loài người vẫn tiếp tục chần chừ, không siết chặt vấn đề quản lý nguồn nước, thì dù lượng nước trên Trái đất có đủ và dồi dào đến mấy rồi cuối cùng cũng trở nên khan hiếm do yếu kém trong quản lý. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải hành động vì an ninh nguồn nước để bảo đảm tương lai cho con người và sự sống trên toàn thế giới. Đây cũng là điều mà Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc (UNCSD-Rio+20) đặc biệt quan tâm.

Theo bản tin chính sách Rio+20, sự đảm bảo an ninh nguồn nước phụ thuộc vào việc duy trì chu trình thủy văn, thực thi các sơ đồ thiết kế an toàn, nâng cao nhận thức về các mối đe dọa và các kế hoạch giảm nhẹ, đồng thời đưa ra những can thiệp pháp lý, những chính sách phù hợp và thiết lập hệ thống quản trị hiệu quả.

Tất nhiên, bảo đảm an ninh nguồn nước không phải là nghĩa vụ, trách nhiệm của riêng cá nhân, cơ quan hay địa phương cụ thể nào mà là nghĩa vụ, trách nhiệm của tất cả mọi người, đặt dưới cơ chế quản lý thống nhất của chính quyền ở từng quốc gia, khu vực. Chỉ có chung sức, chung lòng, loài người mới có thể tạo nên sự chuyển biến lớn, từng bước vượt qua tình trạng căng thẳng về nước và duy trì an ninh nguồn nước ở ngưỡng an toàn.

Muốn vậy, trước hết, các nhà hoạch định chính sách cần nhận thức, xác định rõ nhu cầu sử dụng nước ở tất cả các khu vực bởi đơn giản, nước cần thiết đối với mọi hoạt động sống cũng như sản xuất của con người.

Hiện tại, nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất, chiếm khoảng 70%, nhưng khu vực này vẫn luôn báo động thiếu nước. Do đó, nếu thời gian tới, các chính phủ và người nông dân kỳ vọng sản xuất được nhiều lương thực hơn trong tình trạng nguồn nước ngày càng khan hiếm như hiện nay, họ phải nhanh chóng đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng các loại hình công nghệ sử dụng hiệu quả nguồn nước. Nói cách khác, nông nghiệp sẽ là lĩnh vực đi tiên phong trong quá trình phát triển hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực.

Thêm nữa, trước nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng của các ngành công nghiệp, năng lượng..., chính phủ các nước cũng cần sớm nhận diện được nhu cầu trên để liên kết nó với một loạt vấn đề chính sách quốc gia có liên quan, đồng thời triển khai hợp tác xuyên biên giới để giải quyết bài toán nan giải này.

Cùng với đó, nước nên được quan tâm đầy đủ hơn trong các cuộc đàm phán giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chẳng thể có kế hoạch thích ứng nào thực hiện được nếu không cân nhắc đúng mức vai trò của nguồn tài nguyên thiết yếu này. Đặc biệt, để các kế hoạch giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu liên quan tới nguồn nước đạt hiệu quả, việc bồi dưỡng, tăng cường năng lực của các cơ quan địa phương nhằm giúp họ biết cách lồng ghép những kế hoạch ấy vào chương trình nghị sự về an ninh nguồn nước trong quá trình ra quyết định, lập kế hoạch phát triển bên cạnh việc chú trọng những ưu tiên phát triển quốc gia là điều hết sức cần thiết.

Đặc biệt, vấn đề quản lý nguồn nước cần được mở rộng hợp tác xa hơn nữa, rộng hơn nữa, không chỉ trong biên giới quốc gia mà ở tầm xuyên biên giới, mở rộng mối liên kết toàn cầu. Mặc dù một vài năm trở lại đây, vai trò quản trị nguồn nước xuyên biên giới đã được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn, song thực tế, ở 2/3 số lưu vực sông lớn trên Trái đất vẫn chưa có bất kỳ hiệp ước quốc tế nào quy định, quản lý việc sử dụng nguồn nước, nhất là ở khu vực châu Phi.

Theo đó, các nước nên nỗ lực tạo dựng một khung pháp lý minh bạch, linh hoạt và đáng tin cậy để có thể sẵn sàng ứng phó với mọi vấn đề liên quan đến tài nguyên nước. Khung pháp lý ấy chắc chắn sẽ cung cấp một hệ thống chuẩn mực giúp giải quyết những bài toán cụ thể về phát triển và quản lý nguồn nước trên cơ sở chia sẻ tài nguyên, xác định được quyền, nghĩa vụ hợp pháp trong việc sử dụng nguồn nước cũng như quản lý và phát triển tài nguyên.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới giải pháp đầu tư tài chính hiệu quả cho hoạt động cung cấp nước, cải thiện điều kiện vệ sinh. Lâu nay, chính phủ nhiều nước trên thế giới vẫn triển khai những hỗ trợ tài chính thông qua trợ giá chi phí cung cấp nước. Đơn cử, hệ thống tưới tiêu tại Ấn Độ thời gian qua đã được Chính phủ nước này trợ giá rất nhiều. Trong tương lai, nếu việc quản trị tài nguyên nước được thực hiện hiệu quả, hiển nhiên các hoạt động kinh doanh liên quan đến nước ở nhiều khu vực sẽ đạt hiệu quả cao hơn, từ đó cũng sẽ thu hút được ngày càng nhiều đầu tư từ các nguồn khác ngoài chính phủ và những nhà đầu tư truyền thống.

Vốn dĩ, chẳng bao giờ có lộ trình hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước nào lại ít chông gai. Vì thế, muốn đến gần hơn với các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước thì việc dừng lại ở hoạt động nghiên cứu, khảo chứng các khía cạnh vật lý, sinh học và hóa học của chu trình thủy văn cũng như phát triển các lựa chọn kỹ thuật nhằm tạo ra ngày càng nhiều hướng tiếp cận hợp lý với nguồn tài nguyên nước sẽ vẫn là chưa đủ. Quan trọng hơn, chúng ta cần phải hiểu được động lực chính trị – xã hội và những khát vọng, tín ngưỡng, giá trị có ảnh hưởng đến hành vi liên quan tới vấn đề sử dụng nước của con người.

Như vậy, việc kết hợp đồng bộ các giải pháp với sự tham gia của mọi thành phần xã hội sẽ là chìa khóa để đảm bảo an ninh nguồn nước, giải tỏa sức ép về nguồn nước cho giới tự nhiên và nhân loại. Nghĩa là, trong khi các nhà khoa học đang cung cấp kiến thức, thông tin cũng như những giải pháp mang tính kỹ thuật đến với cộng đồng thì cùng lúc các chính phủ phải thiết lập các khung chương trình quản lý nguồn nước tiến bộ hơn, còn các bên liên quan khác cũng cần phải tham gia vào quá trình hành động, thực thi các giải pháp được đề ra.

Sau cùng, có một điều cần nhắc lại là nước luôn đủ cho con người và tự nhiên, và nếu thiếu chỉ do cách chúng ta quản lý nguồn nước mà thôi.


Water Security for a planet under pressure