ThienNhien.Net – Báo cáo mới đây của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đặc biệt nhấn mạnh tới tính đa dạng sinh học của Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS). Theo đó, năm 2010, các nhà khoa học đã phát hiện và công nhận 208 loài mới – trung bình cứ hai ngày lại có thêm một loài mới được phát hiện tại khu vực này.
Những loài mới được miêu tả gồm có 145 loài cây, 28 loài bò sát, 25 loài cá, 7 loài lưỡng cư, 2 loài động vật có vú và 1 loài chim mới ở vùng Mê Kông. Trong số 10 loài tiêu biểu được WWF nhấn mạnh có loài Voọc mũi hếch (Rhinopithecus strykeri) được phát hiện ở tiểu bang Kachin, Mayanmar, loài thằn lằn cái (Leiolepis ngovantrii) xuất hiện ở Việt Nam có khả năng sinh sản vô tính mà không cần thằn lằn đực. Thái Lan và Campuchia cũng mới phát hiện 5 loài cây ăn thịt hình chén có khả năng thu hút và ăn thịt chuột, thằn lằn và thậm chí cả một số loài chim.
Khẳng định Mê Kông là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, WWF cũng gửi thông điệp kêu gọi các nhà lãnh đạo 6 nước thuộc GMS đưa vấn đề lợi ích của đa dạng sinh học, giá phải trả khi mất đi hệ sinh thái đa dạng này vào nội dung chính của Hội nghị thượng đỉnh Myanmar diễn ra vào tuần tới nhằm phê chuẩn chiến lược mới về hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng trong thập kỷ tới.
WWF cảnh báo rằng giá trị đa dạng sinh học và tài sản tự nhiên của vùng sẽ dần biến mất nếu thiếu những nỗ lực thúc đẩy xanh hóa nền kinh tế trong khu vực: “Chính phủ các quốc gia lưu vực Mê Kông phải loại bỏ lối tư duy cho rằng bảo tồn thiên nhiên là một loại phí tổn và cần nhận thức được đây là một hình thức đầu tư bền vững cho tương lai.”- ông Stuart Chapman, Giám đốc Bảo tồn WWF Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, bình luận.
Phát triển kinh tế không bền vững cùng với biến đổi khí hậu đang khiến các vùng đất nguyên sơ của vùng Mê Kông ngày càng bị thu hẹp, kèm theo đó là sự biến mất của các loài động vật quý hiếm nơi đây. Sự tuyệt chủng của loài tê giác một sừng Java ở Việt Nam mới đây là dấu hiệu đáng buồn của sự suy giảm đa dạng sinh học trong khu vực.
Cũng theo ông Champan, kho báu đa dạng sinh học của khu vực Mê Kông sẽ biến mất nếu chính phủ các nước GMS lơ là việc đầu tư vào bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học – nền tảng đảm bảo sự phát triển bền vững khi phải đương đầu với những thay đổi của môi trường toàn cầu.