ThienNhien.Net – Các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 17 (COP 17) diễn ra tại Durban (Nam Phi) đã trải qua 9 ngày liên tiếp nhưng theo đánh giá thì các cuộc thương lượng này vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào quan trọng mà đang ngày càng bộc lộ nhiều bất đồng, mâu thuẫn giữa các nhóm nước thành viên tham gia.
Trước đó, tuần đàm phán thứ hai được kỳ vọng là sẽ đạt được bước tiến mới hướng tới giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto và chứng tỏ tham vọng lớn hơn của các quốc gia trong vấn đề cắt giảm lượng phát thải. Thế nhưng, điều tất cả chúng ta đang chứng kiến lại là sự thiếu quyết tâm chính trị từ phía một số nhà phát thải lớn nhằm đạt được những thỏa thuận hợp lý, đầy tham vọng có thể cứu vớt cuộc sống, sinh kế của hàng triệu người nghèo và những người dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Thậm chí, nhiều đại biểu còn đang thảo luận việc trì hoãn quyết định về một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý tới tận năm 2020. Bà Tonya Rawe, nhà vận động chính sách cấp cao của CARE – một tổ chức nhân đạo và hỗ trợ phát triển hàng đầu thế giới – cho rằng đây sẽ là một thảm họa vì điều này sẽ tạo ra cả một thập kỷ dậm chân tại chỗ, không có một bước tiến nào trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tất nhiên, không thể phủ nhận sang đến giữa tuần đàm phán thứ hai, các bên tham gia cũng đã đạt được tiến triển trên một số vấn đề, hé mở những tín hiệu tích cực về vấn đề thích ứng. Tuy nhiên, bản thân thích ứng không phải là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh chưa có quyết định rõ ràng về việc giảm phát thải, yêu cầu thích ứng sẽ nổi lên khi biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và trở nên trầm trọng. Điều này có nghĩa là sẽ ngày càng có nhiều người phải hy sinh và ngày càng nhiều sinh kế bị phá hủy. Và nếu càng trì hoãn giảm thiểu biến đổi khí hậu, chúng ta càng phải nhanh chóng triển khai thích ứng.
Dẫu sao, thỏa thuận về biến đổi khí hậu không phải là thứ thực đơn để ta có thể lựa chọn. Chính vì thế việc thống nhất giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto và con đường hướng tới một hiệp định ràng buộc về mặt pháp lý là vô cùng cấp thiết.