ThienNhien.Net – Vừa qua Đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng loạt vi phạm tại một số tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, nhiều điểm khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép như: Bắc Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng…
Tại Bắc Ninh, qua thanh tra, kiểm tra 16 cơ sở và một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Đoàn Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt tổng cộng hàng trăm triệu đồng đối với các doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời đưa ra phương hướng nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường trong các KCN, các sở, ban, ngành cần tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong các KCN với các nội dung về Luật bảo vệ môi trường và văn bản mới liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường như: Nghị định số 117 của Chính phủ, Thông tư số 12 của Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh cho biết trong thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số nơi trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp như nạn khai thác vàng ở huyện Đam Rông, khai thác thiếc ở Lạc Dương và Đà Lạt, khai thác cát ở Cát Tiên… Nạn khai thác trái phép không chỉ làm thất thoát, thiệt hại lớn về tài nguyên khoáng sản, mà còn tác động xấu đến môi trường tự nhiên, trật tự xã hội ở những địa phương có các điểm nóng này, khiến nhiều người dân bức xúc. Cùng đó, tình trạng gây ô nhiễm môi trường cũng xảy ra ở một số cơ sở sản xuất như: nước thải của một số nhà máy ươm tơ ở thành phố Bảo Lộc, chất thải rắn ở khu công nghiệp Phú Hội… cũng khiến dư luận lên tiếng.
Tại Đồng Nai, công tác quản lý Nhà nước và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đã phát hiện một số doanh nghiệp có nhiều thiếu sót và sai phạm trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 44 mỏ đang khai thác khoáng sản dùng làm vật liệu xây dựng (VLXD). Qua kiểm tra đã phát hiện, có 11 giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời hạn khai thác, nhưng chỉ có một mỏ đã làm thủ tục đóng cửa, còn lại 10 mỏ nằm trên địa bàn thành phố Biên Hòa đều chưa làm thủ tục đóng cửa theo quy định của Luật Khoáng sản.
Đoàn kiểm tra cho rằng, những nguyên nhân của sai phạm trên là trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản ở Đồng Nai, một phần do năng lực của đội ngũ cán bộ tham mưu cho UBND các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, còn nhiều hạn chế và yếu kém, nhất là cấp cơ sở.