ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ khuyến khích, đẩy mạnh phát triển vật liệu xây dựng không nung, thay thế công nghệ gạch đất sét đang dần lạc hậu và có nhiều hệ quả bất lợi hiện nay.
Khắc phục bất cập của sản xuất, kinh doanh gạch không nung
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, mỗi năm việc sử dụng gạch đất sét nung làm mất đi một diện tích đất canh tác nông nghiệp của 1 xã. Do đó, Quyết định 567/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 đã mở ra một hướng đi mới cho ngành vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong xây dựng.
Từ vài ba dây chuyền quy mô nhỏ, sản xuất mang tính thí điểm, thăm dò thị trường, đến nay, cả nước đã có hơn 1.000 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu công suất dưới 7 triệu viên/năm, 50 dây chuyền công suất 7-40 triệu viên/năm; 22 dự án sản xuất gạch bê tông khí chưng áp với tổng công suất 3,8 triệu m3/năm; 17 dây chuyền sản xuất bê tông bọt với tổng công suất 190.000 m3/năm.
Đến nay, với sản lượng 4,2 tỷ viên, vật liệu xây không nung đã tiết kiệm được 6,15 triệu m3 đất sét, 615.000 tấn than và giảm thải vào khí quyển 2,4 triệu tấn CO2.
Chỉ tính riêng 3 loại sản phẩm nói trên, Chương trình 567 đã và sẽ đạt và mục tiêu đề ra, hiện tổng công suất đầu tư sau 1 năm thực hiện đã chiếm từ 16-17% tổng sản lượng vật liệu xây so với tỷ lệ mục tiêu đề ra cho năm 2015 là 20-25%.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất và tiêu thụ các loại gạch không nung đang cho thấy những bất cập, cần những đòn bẩy chính sách để đi vào cuộc sống.
Gạch block ximăng cốt liệu có mặt trên thị trường từ lâu, thuận lợi về nguyên liệu với nguồn đá mạt, xỉ lò, tro bay,… dồi dào, nhưng mẫu mã sản phẩm đơn điệu, vừa to vừa nặng, giá thành cao nên khó tiêu thụ.
Gạch bê tông nhẹ mới đi vào sản xuất, chưa được thị trường biết đến nhiều và chất lượng không đồng đều, nên tiêu thụ cũng rất kém, hầu hết các đơn vị sản xuất đều chỉ đạt 20-30% công suất thiết kế, mức tiêu thụ cũng chỉ đạt 50-60% sản lượng, nhiều đơn vị đã phải dừng sản xuất.
Tình hình càng khó khăn cho gạch không nung khi kinh tế cũng như thị trường xây dựng trầm lắng, lãi suất vay đầu tư, sản xuất ở mức cao. Đặc biệt, giá thành sản xuất bê tông khí chưng áp AAC hiện tại cao hơn so với gạch đất sét nung khoảng 20-25% do chi phí sản xuất cao hơn.
Kiên quyết dần thay thế gạch đốt truyền thống
Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ tìm cách tháo gỡ khó khăn, tạc đòn bẩy để sản phẩm mới có thể dần thay thế, chiếm lĩnh thị trường vật liệu xây dựng.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ quan điểm khuyến khích, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng một dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để đẩy mạnh chương trình sản xuất, tiêu thụ vật liệu không nung trong thời gian tới.
Theo đó, xem xét tạo cơ chế, lộ trình để tạo thị trường cho vật liệu không nung, tạo thuận lợi cho nhà sản xuất về đầu tư, nguồn nguyên liệu, tăng cường thanh kiểm tra việc sử dụng đất nông nghiệp làm gạch đã bị cấm theo quy định tại Quyết định 567, nâng phí bảo vệ môi trường và tăng cường giám sát đối với cơ sở sản xuất gạch đất sét nung.
Các địa phương bám sát chủ trương sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ đất lúa để xây dựng, đảm bảo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng theo hướng hạn chế gạch đất sét nung, có lộ trình chấm dựt việc sản xuất gạch bằng lò thủ công.
Trong dự thảo Chỉ thị cũng bổ sung các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm tấm 3D và tấm tường thạch cao được hưởng các chế độ ưu đãi như đối với dự án sản xuất bê tông khí chưng áp.
Đặc biệt, bên cạnh đó, các cơ quan liên quan sẽ xem xét việc tạo cơ chế thuận lợi về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các dự án sản xuất, tiêu thụ gạch không nung, điều chỉnh thuế tài nguyên, phí môi trường đối với các sản phẩm có liên quan.