Pháp tài trợ 20 triệu euro cho Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu

Toàn cảnh buổi ký kết. Ảnh: Cổn thông tin điện tử Bộ Tài Chính

ThienNhien.Net – Ngày 01/12/2011, tại Hà Nội, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại Bộ Tài chính, ông Nguyễn Thành Đô và Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Hà Nội (AFD), ông Jean Marc Gravellini đã ký thỏa ước tài trợ thứ hai liên quan tới khoản vay ưu đãi 20 triệu euro dành cho Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu (“Support Program to Respond to Climate Change” – SP-RCC). Lễ ký kết được diễn ra dưới sự chứng kiến của Ngài Jean-François Girault, Đại sứ Cộng Hòa Pháp tại Hà Nội.

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Nguyễn Thành Đô cho biết đây là một chương trình lớn thực hiện theo phương thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách do AFD đồng tài trợ với Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ Canada hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện thành công Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và các mục tiêu và hành động cụ thể trong Khung ma trận chính sách chu kỳ 3 (2011) của SP-RCC được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt tháng 8/2011,

Tại lễ ký, ông Nguyễn Thành Đô đánh giá cao thiện chí của AFD và Chính phủ Pháp trong những năm qua đã hỗ trợ tích cực cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội và xoá đói giảm nghèo tại Việt Nam thông qua việc tài trợ nhiều chương trình, dự án lớn, đem lại hiệu quả thiết thực trong các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ sở hạ tầng đô thị, ngân hàng – tài chính. Khoản tín dụng trị giá 20 triệu Euro ký kết ngày hôm nay là sự tiếp nối tài trợ của AFD trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 1, thể hiện cam kết mạnh mẽ của AFD và các Nhà đồng tài trợ cho Chương trình SP-RCC.

AFD và JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản) đã đề xuất với các cơ quan thẩm quyền Việt Nam một khoản hỗ trợ ngân sách trong thời gian ba năm (2010-2012) để hỗ trợ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Sáng kiến này được bắt nguồn từ một kinh nghiệm trước đó tại Indonexia mà AFD đã tham gia (“Climate Change Program Loan” – CCPL). Từ đó, rất nhiều nhà tài trợ quốc tế tham gia chương trình (Ngân hàng Thế giới, CIDA) hoặc đang tham gia (Korea Eximbank và AusAID).

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất bởi những hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo một nghiên cứu mới  đây, nước biển dâng 1m sẽ ảnh hưởng tới gần 5% đất đai của Việt Nam, 11% dân số, 7% đất nông nghiệp và sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới khoảng 10% PIB của Việt Nam.

Để đối phó với những thách thức này, SP-RCC nhằm mục tiêu hỗ trợ triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia chống biến đổi khí hậu (National Target Program to Respond to Climate Change – NTP-RCC) được các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam thông qua vào tháng 12 năm 2008. Nhờ phát triển khung chính sách công, một diễn đàn trao đổi giữa các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ và Chính phủ Việt Nam xung quanh việc ứng phó với biến đổi khí hậu, để thích nghi cũng như giảm thiểu biến đổi khí hậu đã hình thành. Đây là một chương trình cho nhiều năm với các dự án về chính sách công trong 8 lĩnh vực : Năng lượng tái tạo, Tiết kiệm năng lương, Rừng, Quản lý rác thải, Cơ chế phát triển sạch, Nước, Phòng chống thảm họa thiên nhiên và Nông nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) đảm nhiệm vai trò chỉ đạo chương trình về phía Việt Nam.

AFD đặc biệt tập trung những nỗ lực trong việc giám sát nội dung giảm thiểu của cam kết khung (năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng). Song song với việc hỗ trợ ngân sách, AFD đã triển khai bốn hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam để chuyên sâu các đối thoại về các nội dung này. Các hoạt động hỗ trợ liên quan tới : xác định mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong ngành thép, chuẩn bị một kế hoạch hành động ở quy mô địa phương và phân tích chính sách phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.