ThienNhien.Net – Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII đã chính thức khép lại nhưng nhiều đại biểu cử tri tại các địa phương vẫn chưa hết băn khoăn với những vấn đề đang gây bức xúc dư luận hiện nay, trong đó có thể kể tới ba vấn đề môi trường nổi cộm là quy hoạch thủy điện, sân golf và rừng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội Hà Nội diễn ra vào sáng 1/12, đại diện cử tri quận Ba Đình đã lên tiếng đề nghị Quốc hội giám sát chặt quy hoạch sân golf và thủy điện trong cả nước.
Theo ý kiến các cử tri, số lượng 18 sân golf đang hoạt động và 140 sân golf đã và đang được cấp phép hiện nay không chỉ làm mất đất sản xuất nông nghiệp mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mực nước ngầm của thành phố. Do đó, cần phải tính toán với 86 triệu dân hiện nay và với tình hình du lịch hiện nay thì quy hoạch bao nhiêu sân golf là vừa.
Ngoài ra, cử tri quận cũng đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kiểm soát chặt các công trình thủy điện trên phạm vi cả nước bởi theo thống kê, Việt Nam hiện có trên 1.000 nhà máy thủy điện, trong đó có 138 dự án quy hoạch bậc thang trên các dòng sông chính. Đó là con số không nhỏ và không ít trong số đó hiện đang gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Bên cạnh vấn đề thủy điện và sân golf, nhiều cử tri tại các địa phương khác như Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Nam, Điện Biên… cũng bày tỏ mối quan tâm đặc biệt tới vấn đề bảo vệ rừng.
Nhiều ý kiến còn băn khoăn về số liệu che phủ rừng; tình trạng chặt phá rừng trái phép và nạn cháy rừng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi; công tác bảo vệ rừng còn gặp khó khăn, phức tạp; thực trạng giao đất, giao rừng kém hiệu quả; cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng chưa thực sự thỏa đáng…
Đa số đại biểu kiến nghị đổi mới phương thức quản lý giao đất, giao rừng; tăng cường rà soát quy hoạch 3 loại rừng để có biện pháp hiệu quả trong việc khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ và trồng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên; cần có cơ chế hỗ trợ lực lượng kiểm lâm và người dân tham gia các dự án trồng rừng để đảm bảo các đối tượng này có thể sống được nhờ rừng, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, và sử dụng rừng.