ThienNhien.Net – “Vì sao ‘vàng tặc’ lại ngang nhiên và công khai khai thác vàng trái phép như thế? Người dân biết thì rõ ràng rồi nhưng chính quyền địa phương cũng biết sao không ngăn chặn được. Bắc Kạn có 30 tấn vàng thử hỏi giờ còn được bao nhiêu?” – Đó là ý kiến của ông Phạm Viết N., một cán bộ hưu trí của TX Bắc Kạn gửi cho chúng tôi sau khi loạt bài, ảnh, video clip “Bát nháo khai thác vàng trái phép ở Bắc Kạn” được đăng tải.
Chúng tôi đã nhận được gần 40 email, thư và ý kiến bạn đọc gửi về bày tỏ cảm xúc, góp ý cách giải quyết và đặc biệt là nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để diễn ra tình trạng bát nháo này, khiến tài nguyên quốc gia bị chảy máu, môi trường bị băm nát…
Không thể làm ngơ
Trong thư gửi cho chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Bích, một giáo viên từng giảng dạy tại huyện Na Rì chia sẻ: “Trong hơn 20 năm dạy học tại huyện Na Rì, tôi đã nhiều lần phải đi vận động các em bỏ học đến lớp. Hỏi các em tại sao bỏ học, có em trả lời tỉnh bơ: “Học làm gì, đi mót vàng nhanh giàu hơn”. Nghe em nói mà lòng tôi sắt lại. Đành rằng có được vàng giàu nhanh hơn nhưng còn tương lai các em thì sao? Điều đáng buồn hơn nữa là khi đi đến nhà em vận động thì bố mẹ em (là một chủ bưởng vàng) nói thẳng: “Không cần cô giảng dạy về việc tương lai”. Rồi rất nhiều các em khác cũng như thế”.
Trong khi đó, bác Lê Chu Sơn, sống tại TP Thái Nguyên lại bức xúc: “Nạn khai thác vàng trái phép diễn ra từ lâu. Chính quyền địa phương đều biết nhưng phải chăng vẫn có việc bao che nên xử lý chưa kiên quyết?”. Theo bác Sơn, về lâu dài, tình trạng chảy máu tài nguyên ở Bắc Kạn nói riêng và cả nước nói chung là điều đáng lo ngại. “Nếu chính quyền cứ làm ngơ như thế thì hỏi con cháu chúng ta 50 năm sau sẽ được chúng ta để lại cái gì? Hay chỉ là những miếng đất khô cằn bị cày nát bởi chính bàn tay của cha ông”.
Một bạn trẻ có email thanhdiacuadanchim@… hiến kế: Cách làm tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này là phải có một đánh giá toàn diện của Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Bắc K ạn để thống kê đầy đủ trữ lượng cũng như các điểm mỏ tại tỉnh này sau đó giao cho chính quyền địa phương quản lý. Nếu để mất, hao hụt tài nguyên thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm. Đồng thời phải có chế tài đặc biệt để xử lý sự bao che, dung túng cho “vàng tặc”. Tại sao các tỉnh khác như Quảng Nam, Nghệ An đều làm kiên quyết và xử lý được trong khi đó Bắc Kạn lại bó tay?
Trong các email và thư gửi của bạn đọc, có một ý tưởng khá độc đáo khi cho rằng nếu bắt được vàng tặc thì phạt gấp đôi số tiền tang vật mà vàng tặc khai thác bao gồm cả máy móc. Tuy nhiên, bạn đọc này cũng cho rằng chế tài đủ mạnh cũng không thể thay thế được ý thức của người dân khi bắt tay với vàng tặc khai thác ngay trên mảnh đất của mình. “Nếu người dân không ham lợi và nghĩ đến hậu quả lâu dài thì vàng tặc cũng phải bó tay”- bạn đọc này khẳng định.
“Vàng tặc” đã bớt lộng hành?
Ngay sau khi UBND tỉnh Bắc Kạn thành lập đoàn công tác đặc biệt xử lý nạn khai thác vàng trái phép (ngày 11/11/2011), tổ công tác đã tiến hành hàng chục lượt kiểm tra cả công khai lẫn đột xuất tại các điểm khai thác ở hai huyện Ngân Sơn và Na Rì. “Hiện ,’vàng tặc’ đã bớt lộng hành và tạm thời không còn còn những ‘điểm nóng’ về tình trạng khai thác trái phép”- ông Trần Nguyên, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bắc Kạn, trưởng đoàn công tác đặc biệt cho biết như trên.
Theo ông Nguyên, từ những thông tin phản ánh của báo chí trong thời gian gần đây UBND tỉnh Bắc Kạn liên tục tổ chức những cuộc truy quét “vàng tặc” cả ngày lẫn đêm đồng thời kiểm tra những điểm mỏ khai thác có phép nhưng chưa tuân thủ thời gian khai thác. “Tuy nhiên đây là cuộc chiến lâu dài và phải làm từng bước một để hạn chế sự chảy máu tài nguyên. Chúng tôi sẽ thông báo kết quả xử lý các đối tượng khai thác trái phép công khai trên báo chí trong thời gian tới” –ông Nguyên nói.
Được biết, hiện UBND tỉnh Bắc Kạn cũng mới có quy định về việc cấp phép khai thác vàng và khoáng sản theo thẩm quyền của tỉnh trong đó đặc biệt chú trọng đến năng lực khai thác và hoàn thổ những điểm mỏ đã khai thác của những doanh nghiệp đăng ký.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Du, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra trong thời gian dài, công khai tại hai huyện Na Rì và Ngân Sơn có một phần lỗi của chính quyền cấp cơ sở. “Chúng tôi sẽ quyết liệt và triệt để trong vấn đề trấn áp ‘vàng tặc’. Đặc biệt không để nguồn tài nguyên khoáng sản nói chung và vàng nói riêng bị chảy máu”- ông Du nói.