ThienNhien.Net – Ngày 29/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Hội thảo về năng lượng điện gió và khả năng hợp tác Việt Nam – Đan Mạch.
Đến dự hội thảo, Thái tử kế vị Vương quốc Đan Mạch Frederik đã chứng kiến lễ ký kết văn bản hợp tác giữa Vestas – công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng gió đến từ Đan Mạch – với CS Wind Việt Nam (công ty 100% vốn Hàn Quốc, đặt tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất tháp gió phục vụ công nghiệp điện gió).
Sau lễ ký kết, các chuyên gia từ Đan Mạch và Việt Nam đã bàn thảo về các vấn đề như mục tiêu và định hướng phát triển nguồn năng lượng điện gió ở Việt Nam; nguồn cung cấp địa phương và phát triển chuỗi cung cấp tại Việt Nam phục vụ công nghiệp điện gió; những cơ sở cần thiết để phát triển điện gió; khả năng hợp tác năng lượng gió Việt Nam – Đan Mạch và nguồn tài chính cho các dự án điện gió.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang sở hữu một trong những tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á song cho đến thời điểm này mới có một dự án điện gió với công suất khiêm tốn hơn 7MW được đưa vào phát điện.
Trong khi đó các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện đã phải nhập khẩu than, dầu, nguồn thủy điện phụ thuộc vào thiên nhiên, khi mà nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện gió với mức giá tương đương 7,8 USD (chưa gồm VAT, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD). Nhà nước hỗ trợ cho bên mua 1,0 UScent/kWh thông qua Quỹ Bảo vệ Môi trường.
Bộ Công thương đã trình Chính phủ các dự án điện gió với tổng công suất 3837 MW tại 9 tỉnh, thành: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.