ThienNhien.Net – “Cuối thu, đầu đông là thời điểm thuận lợi nhất để bắt đầu cuộc săn dưới núi Tây Côn Lĩnh vì lúc này trời chuyển lạnh, sương xuống nhiều, thú rừng thường kiếm ăn sát mặt đất và vì là đầu đông nên con nào cũng tích mỡ, ngon thịt”.
Đây là đoạn nói chuyện của người thợ săn có tên Hoàng Khắc Ch. mà tôi mới làm quen qua một người bạn. Cùng với một nhóm bạn, anh Ch. người ở xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang mùa này thường vào rừng săn bẫy thú. Dụng cụ mà anh và cả nhóm hay sử dụng là bẫy kẹp, “tuy không ‘nhậy’ bằng súng kíp khi xưa nhưng hễ con nào đã dính bẫy thì dù to hay nhỏ cũng đều khó có thể thoát thân.”
Anh Ch. cho biết: “Trước đây có súng kíp thì dễ làm ăn hơn nhưng từ khi nhà nước thu hồi và cấm thì đi săn khó đậu. Gần đây, phá rừng nhiều quá nên thú ít đất sống, vì thế để săn được phải dùng nhiều bẫy to, nhỏ khác nhau. Loại không có răng dùng để bẫy thú nhỏ như chuột rừng, sóc, chim, gà rừng…, còn loại có răng to dùng để bẫy các loại thú lớn như cầy, hoẵng, lợn rừng, don… Thú đã dính bẫy thì càng giãy giụa càng bị xiết chặt, mất máu và kiệt sức”.
Theo lời các tay săn này thì loại bẫy họ dùng rất dễ kiếm và đặc biệt là khó bị cơ quan chức năng phát hiện. Chỉ cần bỏ ra 150.000 đồng là có thể mua được cả túi, sau khi lên đặt bẫy ở vài chục địa điểm thú rừng hay qua lại là có thể nghiễm nhiên chờ thu hoạch. Khu vực bị đặt bẫy nhiều nhất là những khu rừng già dưới chân núi.
Trong một dịp theo chân cả nhóm đi “nghiệm thu” chiến lợi phẩm, mất chừng 40 phút đi bộ, leo dốc và lội suối mới đến được địa điểm đặt bẫy đầu tiên cũng là địa điểm gần nhất, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh hai con thú, một thuộc họ cầy, một họ gặm nhấm bị dính bẫy đang giãy giụa, kêu rên thảm thiết. Đi tiếp tới một vài khu vực khác, nơi nào cũng có ít nhất một vài con sa bẫy, có con giãy mạnh còn bị đứt lìa cả chân.
Anh Ch. cho hay, thường thì chiến lợi phẩm thu được sẽ được đem bán cho các quán đặc sản ở ngoài phố, con nào chết mới để lại ăn. Mỗi chuyến như vậy cũng thêm được ít tiền đong gạo hoặc đóng học cho lũ trẻ. Vì thế, nhiều gia đình trong làng cũng thường kéo nhau vào rừng, vừa để bẫy thú, vừa hái phong lan, cây thuốc, rau rừng… về bán. “Bây giờ bẫy bắt nhiều quá nên chẳng còn mấy thú to, đa phần chỉ bắt được loại nhỏ. Không biết dăm mười năm nữa có còn con gì để bắt nữa không” – anh Ch. tư lự.
Tây Côn Lĩnh là một trong sốt ít những khu rừng có giá trị cao về đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật quý hiếm, tuy nhiên một vài năm trở lại đây, tình trạng người dân vào rừng săn bắn, khai thác tài nguyên ngày càng gia tăng, đặc biệt là những hộ dân sống trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tây Côn Lĩnh và các vùng phụ cận. Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý hữu hiệu và chế tài xử phạt nghiêm khắc thì e rằng nguồn tài nguyên vô giá này sớm muộn cũng bị đục rỗng.