ThienNhien.Net – Quả thực phóng viên nọ đã có lý khi đặt câu hỏi: Danh hiệu di sản thế giới có cứu được rừng Quảng Bình hay không? Chỉ vài ngày trước đây thôi, 2/3 số cán bộ kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng ở Quảng Bình đồng loạt ký đơn xin nghỉ việc vì lương không đủ nuôi sống bản thân. Không có kiểm lâm thì lấy ai bảo vệ rừng?
Ấn tượng với nghề không phải của mình
Tôi không phải là kiểm lâm, nhưng với tôi, nghề kiểm lâm có một sức hấp dẫn kỳ lạ và cũng đầy trăn trở. Rõ ràng nếu không có đủ đam mê, không yêu rừng, ai đó sẽ chẳng thể nào trở thành kiểm lâm, hoặc nếu có lỡ lựa chọn thì cũng chẳng thể trụ lâu. Mỗi ngành nghề xã hội đều có đặc thù riêng, nhưng kiểm lâm vẫn luôn là một nghề rất đặc biệt. Nó yêu cầu hội tụ những yếu tố quý giá nhất của một con người: Tình yêu – Sức khỏe – Trí tuệ – Lòng dũng cảm.
Bạn tôi là nhà báo chuyên viết phóng sự, làm cái nghề vốn cũng lặn lội và cực lắm chứ chẳng sung sướng gì, vậy mà sau nhiều chuyến đi rừng về, thỉnh thoảng cứ nhắc mãi những câu chuyện được xếp vào dạng “không thể nào quên” về cuộc sống gian khổ, thiếu thốn và đầy hiểm nguy của những kiểm lâm nơi anh đã đến. Trong những câu chuyện lúc rôm rả, lúc ngắt quãng với kiểm lâm được kể lại sau này, tôi nhận thấy anh bạn mình luôn khéo léo cài cắm ở đâu đó một câu hỏi tế nhị: “Vì sao anh lại chọn nghề này?”. Có lẽ công việc và cuộc sống của những người kiểm lâm cũng đã ám ảnh người viết báo.
Đôi khi tôi cũng thử định nghĩa về “nghề kiểm lâm” nhưng sao thấy khó quá. Cứ hình dung đơn giản thế này: “Rừng là vàng”, kiểm lâm giữ rừng nghĩa là họ làm cái công việc bảo vệ những “kho vàng” cho đất nước. Tài sản quý ắt có lắm kẻ nhòm ngó, vì vậy công việc của kiểm lâm hiểm nguy, vất vả là điều dễ hiểu.
Chẳng vậy mà trong một tài liệu định hướng lựa chọn nghề nghiệp của một trường đại học nọ, các thầy cô đã cảnh báo những sinh viên lâm nghiệp tương lai của mình: “Cán bộ kiểm lâm không chỉ cần có những kiến thức chuyên môn về rừng, lâm sản mà còn cần có một trái tim thép và tinh thần thép.”
Giọt nước tràn
Tôi chưa một lần được đến Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, cho đến tận hôm nay, khi vùng di sản này đã được thế giới công nhận đến hai lần và sắp sửa tới lần thứ ba. Nhưng với tôi, câu chuyện của những người kiểm lâm ở đây đã nghe đã quen. Tôi cũng gieo vào mình câu hỏi bức bối mà một nhà báo nọ đã đặt ra, rằng liệu những vầng hào quang danh hiệu có mang về cho Vườn quốc gia những lợi ích thực thụ hay không? Người dân có được sống tốt hơn và rừng có được bảo vệ hơn không?
Câu trả lời “Không” như lấp ló đâu đó, bởi trong suốt thời gian dài qua, hàng chuỗi những câu chuyện xung đột ác liệt giữa kiểm lâm Phong Nha – Kẻ Bàng với những kẻ phá rừng vẫn không ngừng tiếp diễn. Mà đau xót hơn, những kẻ chống đối, đánh đập, dọa dẫm kiểm lâm không phải ai khác, đều là bà con tại chỗ.
Sự việc nhất loạt nghỉ việc của nhiều kiểm lâm chỉ như giọt nước tràn ly, cho thấy những bế tắc đã kéo dài của ngành kiểm lâm không được quan tâm hoặc có quan tâm mà không thấm.
Lý do nghỉ việc của 129 cán bộ kiểm lâm nghĩ cũng thật đáng tủi: Vì lương quá thấp. Với mức lương bảy trăm nghìn đồng, người ta lắc đầu không bình luận, hoặc giả chăng trong đầu lại nảy sinh câu hỏi: Hay tại mấy ông này “bôn” quá, không biết “làm luật” lâm tặc.
Con số 7 cũng thật oái oăm, ngành điện phán: lương 7 triệu sống làm sao nổi trong thời buổi này, nhưng kiểm lâm (Phong Nha) thì bảo: lương 7 trăm là may lắm rồi.
Dù thế nào thì câu chuyện cũng thật là đáng tiếc, đáng trách, giữa bối cảnh khắp nơi khắp chốn, rừng vẫn ngày đêm bị phá không thương tiếc, các ban quản lý rừng, các lãnh đạo chi cục kiểm lâm vẫn ồi ồi kêu “thiếu lực lượng”, “rừng thì rộng, mà kiểm lâm thì ít”… nhưng bản thân ngành kiểm lâm thì lại không đủ lực để nuôi quân.
Không phải hiếm những câu chuyện tương tự như kiểm lâm Phong Nha – Kẻ Bàng. Tôi cũng đã từng nghe tâm sự của người kiểm lâm có tuổi đời, tuổi nghề cao nhất của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Trùng Khánh, lương của anh ở thời điểm cuối năm 2010 cũng chỉ ngoài 4 triệu bạc, đồ cấp phát của ngành không đủ, hàng năm vẫn phải mua thêm giày đi rừng. Kiểm lâm trẻ ở Tát Kẻ – Bản Bung (Tuyên Quang) dù công tác đã vài năm nhưng lương cũng chỉ đủ tiền xăng xe về thăm gia đình, anh thật thà tâm sự “em chưa dám nghĩ tới việc tán cô nào”.
Ngoài cái đề án đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công chức Kiểm lâm giai đoạn 2011 – 2015, tôi không tìm ra dòng văn bản nào của Bộ Nông nghiệp và Tổng cục lâm nghiệp, đơn vị chủ quản ngành kiểm lâm nhìn nhận rằng cần phải quan tâm hơn đến đời sống kiểm lâm, rằng khi kiểm lâm không thể sống bằng đồng lương thì rừng sẽ không thể được bảo vệ. Và đó mới chỉ là điều kiện cần.
Trong những ngày này, khi ngành lâm nghiệp đang hân hoan và tưng bừng tổ chức kỷ niệm 52 năm ngày truyền thống, 129 kiểm lâm viên ở Quảng Bình và có lẽ cả kiểm lâm ở không ít nơi khác, đang mất niềm tin.