ThienNhien.Net – Chiều 22/11, với 86,8% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 2011- 2015 cấp quốc gia.
Theo đó, đất trồng lúa vào năm 2020 sẽ là 3,81 triệu ha. Chỉ tiêu này trong thời gian qua nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu bởi có liên quan đến an ninh lương thực.
Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết con số 3,81 triệu ha đã được tính toán nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong dài hạn trước áp lực tăng dân số, thách thức của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời tính đến nhu cầu chuyển đất trồng lúa cho các mục đích sử dụng khác.
Diện tích đất rừng phòng hộ năm 2020 sẽ tăng lên 5,842 triệu ha, đất rừng đặc dụng sẽ tăng lên 2,271 triệu ha và đất rừng sản xuất là 8,132 triệu ha.
Đất khu công nghiệp hiện nay là 72 nghìn ha sẽ tăng lên và ổn định ở mức 200 nghìn ha vào năm 2020. Đây cũng là một chỉ số nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các đại biểu Quốc hội. Theo một số đại biểu, cần hạn chế diện tích đất khu công nghiệp vì tỷ lệ bình quân lấp đầy diện tích khu công nghiệp hiện nay rất thấp (46%), nhiều khu công nghiệp còn đang đền bù, giải tỏa mặt bằng… nên phải một thời gian nữa mới lấp đầy được diện tích khu công nghiệp hiện có. Do vậy không cần phải tăng diện tích đất khu công nghiệp.
Việc chốt diện tích đất khu công nghiệp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình “để phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp đến năm 2020 và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo”. Thực tế, thời gian đầu tư để hình thành một khu công nghiệp đến khi tập trung lấp đầy trung bình là 10 năm, nên quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp phải đi trước một bước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sau năm 2020, đất khu công nghiệp sẽ ổn định và sẽ tập trung vào việc lấp đầy các khu công nghiệp. Đối với kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015, diện tích đất khu công nghiệp sẽ là 130 nghìn ha (giảm 20 nghìn ha so với đề nghị của Chính phủ).
Đất ở tại đô thị sẽ tăng lên 179 nghìn ha vào năm 2015 và 202 nghìn ha vào năm 2020. Khi thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị giảm diện tích này xuống, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nhu cầu thực sự về nhà ở của các đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, các đối tượng chính sách vẫn còn rất lớn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ một mặt rà soát, tiếp tục điều chỉnh để khắc phục tình trạng khu đô thị bỏ hoang, mặt khác có chính sách, giải pháp để các đối tượng trên cải thiện chỗ ở.
Diện tích đất phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao vào năm 2020 sẽ tăng gấp 2 lần so với năm 2010, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của nhân dân…
Để thực hiện Nghị quyết, Quốc hội đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, địa phương có sử dụng đất phải đảm bảo dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đổi mới cơ chế quản lý sử dụng đất gắn với tổ chức sản xuất, bảo vệ, phát triển rừng ở các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để mọi hoạt động sử dụng đất phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch…
Mục tiêu của Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 2011- 2015 cấp quốc gia: Quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật; đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. |