ThienNhien.Net – Mỗi năm ở khu vực Kalimantan trên đảo Borneo (Indonesia) có tới hàng trăm con đười ươi bị săn bắn lấy thịt hoặc để trừ hại cho mùa màng. Đây là kết luận chính thức từ một cuộc khảo sát quy mô 7.000 dân địa phương tại khu vực này.
Số lượng đười ươi Borneo (Pongo pygmaeus) bị giết hàng năm tại Kalimantan, theo khảo sát rơi vào khoảng từ 750 – 1.790 cá thể, đủ lớn để đặt loài đười ươi Borneo trước mối đe dọa sống còn.
Các nhà khoa học ước tính nếu hơn 1% số đười ươi cái trong một quần thể nhất định bị giết chỉ trong vòng 1 năm thì quần thể đười ươi ấy sẽ sớm tuyệt chủng. Và giả như số lượng đười ươi đực và đười ươi cái bị giết là ngang nhau thì hàng năm sẽ có ít nhất khoảng 375 cá thể đười ươi cái bị giết. Con số này được ước tính tương đương với 0,9 đến 3,6% tổng số đười ươi cái ở Kalimantan.
Có vẻ những con số trên chẳng phải là một điềm báo tốt lành gì đối với số phận loài đười ươi ở Kalimantan.
Nhà sinh thái học Amy Dickman thuộc trường Đại học Oxford (Anh) cho biết bà không hề ngạc nhiên với kết quả nghiên cứu này, bởi lẽ “con người luôn đặc biệt quan tâm đến việc mất nơi cư trú của mình, nhưng bản thân lại thường là nguyên nhân dẫn tới điểm giới hạn sinh thái (tipping point), buộc các loài động vật hoang dã xâm nhập vào nơi cư trú của mình, gây ra các cuộc xung đột giữa con người và động vật, khiến chúng bị giết”.
Cũng theo bà, để chấm dứt tình trạng xung đột giữa người và động vật, cần chỉ cho con người cách chung sống hòa bình với các loài động vật. Có thể lấy trường hợp ở Tanzania làm ví dụ. Tại đây, Nhóm Nghiên cứu – Bảo tồn Động vật hoang dã (WildCRU) của bà Dickman đã giúp người dân lập những hàng rào cải tiến bảo vệ gia súc. Giải pháp này đã góp phần làm giảm đáng kể số cuộc tấn công vật nuôi của những loài thú ăn thịt lớn. Trước đó, các cuộc tấn công thường diễn ra 2 lần/tuần, nhưng đến nay đã không còn xuất hiện nữa.