ThienNhien.Net – Bên cạnh những đóng góp về nguồn điện năng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc phát triển quá “nóng” các dự án thủy điện cũng dấy lên nhiều mối quan ngại sâu sắc về những tác động ảnh hưởng tới môi trường và đời sống dân cư. Cũng chính vì những tác động tiêu cực ấy, thời gian gần đây thủy điện đã bị kết tội như một nhân tố góp phần gia tăng và trực tiếp gây ra các thảm họa lũ lụt. Trái với quan điểm này, trong bài viết dưới đây, tác giả bài viết cho rằng bản thân thủy điện không có lỗi mà lỗi nằm ở cách con người quản lý và vận hành thủy điện. ThienNhien.Net xin được giới thiệu để độc giả có thêm một góc nhìn khác biệt về vấn đề này.
Công hay tội đều do nhân tạo
Xin bắt đầu bằng một câu hỏi rằng liệu thủy điện có phải là thủ phạm gây nên những trận lũ lớn và ngập lụt ở nhiều vùng như đã được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt thời gian qua ?
Cần phải khẳng định bản thân thủy điện không có tội trong câu chuyện này. Bởi như chúng ta đều biết, lũ lụt ở vùng nhiệt đới vốn chịu sự chi phối của hai nhân tố là mưa và mặt đệm. Những trận lũ lớn gây ngập lụt sâu và kéo dài là do lượng mưa lớn, cường độ mạnh, thời gian mưa kéo dài trong điều kiện mặt đệm bị tàn phá, đặc biệt là do mất lớp phủ rừng nhiều tầng tán nên đã hạn chế khả năng thấm của đất, khiến lượng nước được tiêu thoát nhỏ, thời gian tập trung lũ nhanh, tạo ra đỉnh lũ cao, lượng lũ lớn.
Cùng với đó, khả năng tiêu thoát các dòng chảy cũng ngày càng bị hạn chế trước việc xuất hiện ngày một nhiều các công trình xây dựng, giao thông phục vụ nhu cầu đô thị hóa, gây ngập lụt sâu, kéo dài và diễn ra trên diện rộng.
Với sự phát triển mạnh mẽ của mình, thủy điện đã và đang mang lại những lợi ích to lớn cho con người. Ngoài việc tạo ra nguồn năng lượng phong phú, các hồ chứa của thủy điện, nhất là các hồ chứa đa mục tiêu còn có tác dụng điều hòa dòng chảy giữa mùa lũ và mùa cạn, tạo ra những diện tích mặt nước lớn có tác dụng điều hòa khí hậu cùng nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có giá trị kinh tế cao…
Tuy nhiên, trong mọi vấn đề, bên cạnh mặt tích cực luôn có mặt tiêu cực song hành. Lửa là một trong những yếu tố giúp kiến tạo nền văn minh của toàn nhân loại với vô vàn lợi ích thiết thực nhưng nó cũng là thảm họa khi bạo chúa Néron đốt cháy thành Rome. Hạt nhân mang lại nguồn năng lượng khổng lồ thông qua các phản ứng phân hạch nhưng nó cũng reo rắc những kết cục bi thảm như đã từng xảy ra tại Hirosima, Nagazaki…
Thủy điện cũng vậy. Bên cạnh những lợi ích to lớn, nó cũng có thể gây ra những nguy hại đáng kể như việc xây dựng các hồ chứa sẽ làm ngập phần diện tích đất tương đối lớn, gây ra những ứng lực lên vỏ trái đất tạo ra hiện tượng trượt, nứt đất, tăng động đất kích thích, gia tăng lượng tổn thất do bốc hơi từ bề mặt nước, cắt đứt các luồng di cư của cá… Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thủy điện là một trong những nhân tố làm gia tăng mức độ nguy hại do lũ lụt, gây thiệt hại cho phía hạ du.
Tuy nhiên, công hay tội đều là do con người đã khai thác và sử dụng thủy điện ra sao.
Quan trọng nhất là vấn đề quy hoạch và quản lý
Để khai thác và sử dụng thủy điện hiệu quả, điều cơ bản nhất là vấn đề quy hoạch sử dụng nguồn nước. Chúng ta cần cân nhắc xem trong một lưu vực sông thì nên xây bao nhiêu nhà máy thủy điện là phù hợp, với quy mô như thế nào, không phải chỉ đơn thuần là sử dụng tối đa tiềm năng thủy điện của dòng sông mà phải xem xét trên quan điểm lợi dụng tổng hợp.
Tất nhiên, đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời vì đó là một bài toán sử dụng tổng hợp các nguồn tài nguyên, không chỉ riêng tài nguyên nước mà còn phải xét tới tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên sinh vật… Nói cách khác, đó là sự cân bằng giữa lợi ích môi trường và phát triển kinh tế – xã hội.
Trong một khía cạnh hẹp, bài viết chỉ xin đề cập tới một vấn đề nhỏ trong quy hoạch sử dụng nguồn nước.
Khi nói tới quy hoạch sử dụng nguồn nước, không thể chỉ xem xét tới một ngành dùng nước, càng không thể tách rời quy hoạch thủy điện với quy hoạch của các ngành liên đới, chẳng hạn như tưới tiêu, giao thông, xây dựng, nuôi trồng thủy sản…
Chúng ta xây dựng nhiều nhà máy thủy điện thì tất yếu sẽ có nguồn điện năng dồi dào. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều hồ chứa thủy điện thì sẽ dẫn đến hệ quả mất đi nguồn tài nguyên rừng, mất đi nguồn sinh thủy và khả năng điều tiết tự nhiên, lượng nước đến các hồ chứa trong mùa khô cũng sẽ ít đi, làm giảm sản lượng điện và khi mùa lũ tới thì các trận lũ lớn sẽ xuất hiện nhiều hơn, khó điều tiết, gây ra tình trạng lũ chồng lũ như đã xảy ra với những hệ thống hồ chứa thủy điện bậc thang trên một dòng sông, đặc biệt là khi các hồ chứa trên dòng sông đó không có dung tích phòng lũ.
Đó là chưa kể tới hệ quả bồi lắng trong các hồ chứa sẽ làm giảm đáng kể nguồn phù sa cho vùng hạ du, gây xói mòn mạnh ở vùng sau đập do nguồn nước trong hơn sau khi phù sa đã bị giữ lại trong hồ chứa; lượng nước tưới cho nông nghiệp cũng bị thiếu hụt trong mùa khô khiến diện tích canh tác bị thu hẹp…
Do đó, cần cân đối lợi ích tổng hợp trong việc sử dụng nguồn nước, cụ thể là lợi ích do thủy điện mang lại và lợi ích từ những ngành khác. Với điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật như ngày nay, các mô hình toán sẽ là công cụ thích hợp để giải quyết bài toán phức tạp này.
Thêm điểm đáng lưu ý là hiện nay chúng ta đã có Quy hoạch điện, Quy hoạch giao thông, Quy hoạch thủy lợi, Quy hoạch đô thị… nhưng vẫn chưa ban hành Quy hoạch lưu vực sông mặc dù nhiệm vụ này đã được quy định rất rõ tại Điều 12 Nghị định 120/2008/NĐ-CP ngày 01/12/2008 về quản lý lưu vực sông.
Cũng cần lưu ý là Nghị định trên đã quy định rất cụ thể về trách nhiệm của các Ủy ban lưu vực sông trong việc lập quy hoạch lưu vực sông (Điều 17) và tổ chức thực hiện quy hoạch lưu vực sông (Điều 19). Tuy nhiên, việc thực hiện các trách nhiệm này vẫn khá mờ nhạt nếu không muốn nói là chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề đang tồn tại mà thủy điện chỉ là một trong số đó.
Câu hỏi đặt ra là khi nào chúng ta mới có các Ủy ban lưu vực sông với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ như đã được quy định tại Nghị định nói trên?