ThienNhien.Net – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã triển khai thu thập thông tin, số liệu khảo sát xác định vùng sâm Ngọc Linh để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loài dược thảo quý hiếm này.
Đến nay dự án đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ để làm thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”.
Dự án do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp cùng Trung tâm tư vấn hỗ trợ Sở hữu trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ), Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Công ty OCC triển khai. Đây là Dự án Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Sâm Ngọc Linh đã được nhiều nhà khoa học, người tiêu dùng trong nước và trên thế giới biết đến là một loại thảo dược quý để chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Theo kết quả điều tra nghiên cứu và khảo sát, sâm Ngọc Linh phân bố ở 108 vùng sâm tự nhiên trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Trong đó, tỉnh Kon Tum chiếm đại đa số với khoảng 92 vùng sâm mọc tập trung ở 13 xã thuộc huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rong. Còn ở địa phận Quảng Nam xâm mọc ở 3 xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang thuộc huyện Nam Trà My.
Hiện nay, sâm Ngọc Linh đang được nhân rộng với hơn 200.000 cây giống. Ngoài ra, một số doanh nghiệp và hộ gia đình đã trồng hơn 100 ha cây sâm củ và cung cấp hằng năm hơn 100.000 cây giống.
Chính vì vậy, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm củ của 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam là rất cần thiết. Về lâu dài, sản phẩm sâm Ngọc Linh sẽ vươn ra thị trường nước ngoài với quy mô lớn, không bị mất đi nguồn gốc địa lý; tính đặc thù về chất lượng sản phẩm và tên gọi xuất xứ; đảm bảo sâm ngọc linh là hàng hóa chiến lược của Việt Nam.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, Sở đã triển khai thu thập thông tin, số liệu khảo sát xác định vùng sâm Ngọc Linh để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loài dược thảo quý hiếm này. Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” được giới hạn trong vùng địa lý trồng sâm truyền thống, đó là một phần của vùng núi Ngọc Linh, thuộc các xã Măng Ri và Tê Xang, huyện Tu Mơ Rong. Dự án sắp hoàn tất hồ sơ để làm thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”.
Các vùng địa lý còn lại sẽ được tiếp tục nghiên cứu và đưa vào vùng chỉ dẫn địa lý sau khi chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký, quản lý và phát huy tác dụng. Tỉnh Kon Tum xác định đây là loài cây hàng hóa chủ lực có thế mạnh canh tranh cao trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.