ThienNhien.Net – Lâu nay, tình trạng đánh bắt cá quá mức đã làm suy giảm rất nhiều quần thể cá lớn ăn thịt như cá ngừ, cá mập, cá tuyết và nhiều loài khác. Tuy nhiên, theo kết luận của hai nghiên cứu mới đây thì vấn nạn khai thác cá quá mức không chỉ là hiểm họa đối với các loài cá lớn mà còn đe dọa đến cả những loài cá nhỏ như cá cơm, cá mòi, cá thu, cá trích và cả các loài nhuyễn thể.
Tuy nhỏ bé nhưng các loài cá nhỏ có vai trò sống còn đối với hệ sinh thái biển, bởi nhiều loài – từ chim biển, động vật có vú đến các loài cá lớn – đứng đằng sau chúng trong chuỗi thức ăn phụ thuộc hoàn toàn vào chúng để tồn tại.
Theo Tom Smith, nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO), người dẫn đầu một nghiên cứu về các loài cá nhỏ, thì: “Cá nhỏ chiếm tới trên 30% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu và được dùng trực tiếp làm thức ăn cho con người (10 – 20%) hoặc được sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi (80 – 90%). Nhu cầu về cá nhỏ đang ngày một gia tăng”.
Theo đó, nhóm nghiên cứu khuyến cáo bên cạnh việc xây dựng những khu vực bảo tồn, nhất là khu vực kiếm ăn của các loài chim và động vật biển có vú, chúng ta còn cần phải giảm một nửa sản lượng đánh bắt cá nhỏ ở những khu vực khác do vai trò thiết yếu của chúng đối với hệ sinh thái biển.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác được đăng trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) cũng cho biết những quần thể cá nhỏ cũng dễ bị tổn thương và suy giảm về số lượng chẳng kém gì những loài cá lớn vốn hay được chú ý. Thậm chí, tốc độ suy giảm số lượng của các quần thể cá nhỏ còn cao gấp hai lần những loài lớn. Chỉ có điều, cá nhỏ thường phục hồi nhanh hơn, trung bình khoảng 5 năm, thay vì 15 năm như các loài cá lớn. Song, dẫu sao thì sự suy giảm các quần thể cá nhỏ vẫn tác động mạnh mẽ đến đa dạng sinh học và sự giàu có của hệ sinh thái biển.
Điều đáng nói là kết quả của những nghiên cứu này đã phản bác lại lời khuyên của một số tổ chức, chuyên gia môi trường cho rằng cá nhỏ là một lựa chọn hải sản “xanh” hơn cho đại dương.
“Nếu lâu nay chúng ta vẫn quen với câu nói “đừng đổ mồ hôi vì những thứ nhỏ nhặt” thì đối với những người bảo vệ đại dương như chúng tôi điều này không còn đúng nữa mà ngược lại chúng tôi quan tâm tới mọi loài cá, dù là nhỏ nhất” – Malin Pinsky, thành viên nhóm nghiên cứu của Viện hàn lâm khoa học Hoa Kỳ, nhận định.
Malin Pinsky cũng cho rằng, rốt cuộc bài học quan trọng mà ta nên tiếp thu là loài cá nào rồi cũng có thể biến mất. Một khi con người chỉ chú ý tới việc khai thác các loài cá để phục vụ mục đích của mình mà không quan tâm tới việc bảo tồn chúng thì hậu quả tất yếu là chúng sẽ bị tận diệt.