“Lãnh đạo chủ chốt địa phương phải chịu trách nhiệm”
ThienNhien.Net – “Những thông tin mà các anh cung cấp ngược lại cho tỉnh là hết sức đáng quý. Việc quản lý yếu kém để tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra trên địa bàn hoàn toàn là có. UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt để truy trách nhiệm. Và chắc chắn lãnh đạo chủ chốt của địa phương phải chịu trách nhiệm về việc này”.
Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi về nạn khai thác vàng trái phép tại hai huyện Na Rì và Ngân Sơn.
Ông Nguyễn Văn Du nói: “Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay đâu cũng có vàng hết, đâu cũng có khoáng sản chì, kẽm hết. Tình trạng khai thác khoáng sản nói chung và vàng nói riêng trong thời gian trước đây chúng tôi đã xử lý tương đối im ắng. Tuy nhiên trong thời gian gần đây lại rộ lên với điểm nóng ở hai huyện Ngân Sơn và Na Rì. Nguyên nhân chính là giá vàng lên cao nên tạo một sức hút khủng khiếp với người dân. Thứ hai là một số ít cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Thứ ba là người dân chưa hiểu rõ việc khai thác trái phép là sai pháp luật và bị các đối tượng khai thác vàng trái phép lôi kéo.“
Người dân là người bị hại
– Tỉnh Bắc Kạn nói chung và các huyện Na Rì và Bắc Kạn đã có những đánh giá thế nào về hậu quả từ việc khai thác vàng trái phép?
Ông Nguyễn Văn Du: Tôi xin nói ngay, để diễn ra tình trạng này người dân không được gì cả. Chỉ những đầu nậu khai thác trái phép kia là những người được. Vàng thì người dân không được, đất lại bán cho những đối tượng này. Khai thác xong, những đối tượng này bỏ nguyên và không hoàn thổ cho, diện tích đất nông nghiệp bị phá nát là điều chắc chắn.
Chúng tôi cũng đã đi thực địa nhiều lần. Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo từng địa phương có những biện pháp tối ưu nhất để quản lý khoáng sản.
– Nhiều tổ công tác chưa xuống đến nơi vàng tặc đã tẩu tán hết tang vật. Liệu công tác tổ chức cán bộ trong các đoàn kiểm tra có vấn đề không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Du: Chính bản thân tôi là người có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý này cũng đã thấy có vấn đề, nhưng không có cơ sở để xác minh. Cứ đoàn công tác đi theo tin báo thì đến đó là không thấy gì nữa. Tôi cũng nói thật như thế là khó hiểu mà chúng tôi không thể giải thích được. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng cùng vào cuộc.
UBND tỉnh, UBND huyện chỉ đạo kiên quyết nhưng đi mà không thấy gì thì cũng chịu. Nhưng ở đây có một bài học là việc xử lý tang vật khai thác vàng trái phép là quan trọng nhất.
Tại huyện Ba Bể, khi đối mặt với vàng tặc, nhiều anh em còn bị chúng chống đối mà vẫn kiên quyết và dũng cảm tịch thu, quyết tâm là dẹp được. Nhưng có thể thấy không có ai đảm bảo tính mạng của anh em đi làm. Có lần cán bộ yêu cầu họ dừng máy nhưng họ không dừng, nếu không tránh là máy đè lên. Điều này là khó khăn nhất trong cuộc đấu tranh chống vàng tặc.
Quy trách nhiệm cho người đứng đầu
– Về việc người dân liên kết với vàng tặc cùng khai thác và ăn chia, tỉnh có biện pháp can thiệp gì?
Ông Nguyễn Văn Du: Chúng tôi đã có quyết định 2693 của UBND tỉnh và chỉ thị của tỉnh ủy quy định rất rõ ràng rồi. Người đứng đầu ở địa phương nào để xảy ra việc khai thác vàng trái phép thì lãnh đạo chủ chốt địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tại huyện Ngân Sơn, chúng tôi đang tiến hành kiểm điểm cán bộ từ xã trở lên.
– Được biết, UBND tỉnh Bắc Kạn mới thành lập tổ công tác đặc biệt xử lý nạn khai thác vàng trái phép (ngày 11/11/2011 –PV) do ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường phụ trách. Vậy quyền hạn của tổ công tác đặc biệt này như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Du: Tổ công tác này không có quyền xử lý những bao che, hay để rò rỉ thông tin cho những đối tượng khai thác vàng trái phép nhưng họ có quyền lập biên bản báo cáo UBND tỉnh để đề xuất phương pháp xử lý. Quy chế hoạt động của tổ là phải bí mật và bất ngờ, có sự tham gia của cả công an và quân đội.
Có phép cũng sai
– Thưa ông, tại địa bàn Nà Láng, Lương Thượng của huyện Na Rì, công ty TNHH Đồng Vàng bị người dân kêu ca bức xúc vì khai thác cả ngày lẫn đêm và gây ô nhiễm môi trường. Ông có biết về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Du: Chính quyền tỉnh và huyện đều chỉ cho phép khai thác trong một thời gian nhất định. Nếu họ khai thác cả ngày lẫn đêm là sai. Còn vấn đề ô nhiễm môi trường thì tôi chưa được biết. Nếu có chuyện sai như thế, chúng tôi sẽ xử lý ngay.
– Một số công ty được cấp phép khai thác vàng trên địa bàn tỉnh nhưng sau khi khai thác xong không chịu hoàn thổ trả lại mặt bằng cho sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh xử lý như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Du: Trước kia thì khác. Bây giờ chúng tôi cấp phép theo thẩm quyền nhưng cũng chỉ cấp phép từng gói nhỏ một. Ví dụ tỉnh cấp phép cho một công ty khai thác ở diện tích 20ha thì chỉ cho khai thác theo kiểu cuốn chiếu và nếu hoàn thổ xong thì mới cho khai thác tiếp.
– Mới đây công ty TNHH Tấn Thành được cấp phép khai thác vàng tại mỏ Tốc Lù, xã Kim Hỷ (Na Rì) nhưng sau khi khai thác xong công ty đã không hoàn thổ và có thông tin là những người đứng đầu đã bỏ trốn?
Ông Nguyễn Văn Du: Để hoàn thổ mỏ này cần 5 tỉ đồng. Sau khi khai thác xong công ty Tấn Thành tan rã và giải thể. Chúng tôi đã đưa công an vào cuộc nhưng không điều tra được. Cái đấy cũng lâu lắm rồi mà tôi mới lên Phó chủ tịch (tỉnh) nên cũng không nắm được nhiều thông tin.
– Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, xác nhận UBND tỉnh Bắc Kạn đã thu giữ được 13 máy xúc máy đào của vàng tặc trên địa bàn huyện Ngân Sơn. Tuy nhiên, chủ nhân của 13 máy xúc, máy ủy này đã kiện UBND tỉnh Bắc Kạn ra tòa án tỉnh Bắc Kạn với lý do “tỉnh không đủ thẩm quyền thu giữ”. Ông Nguyễn Văn Du bức xúc: “Kiện là quyền công dân nhưng rõ ràng đó là tang vật của việc khai thác vàng trái phép. Nếu tỉnh kiên quyết hơn thì phải tiêu hủy những tang vật này”. Hiện tòa án tỉnh Bắc Kạn đang thụ lý hồ sơ vụ kiện nhưng từ chối cung cấp những thông tin liên quan. |