“Vàng tặc” được tiếp tay
ThienNhien.Net – Ở Na Rì và Ngân sơn, người dân truyền tai nhau đồn thổi câu chuyện “bỗng dưng trở thành… tỉ phú” của hai hộ dân xã Lương Thượng. Nghe nói, hai hộ dân này đã bắt tay với đầu nậu khai thác vàng ngay trên vườn nhà mình và trúng lớn chỉ sau một đêm.
Cơn sốt vàng khiến hàng ngàn người dân Na Rì và Ngân Sơn, phá ruộng, bỏ vườn lũ lượt đi tìm giấc mơ đổi đời. Một con đường tiếp tế cho người đào vàng dùng sức ngựa được thiết lập vào khắp những thôn, bản nơi có mỏ vàng.
Con đường “kim – mã”
Trời chưa sáng hẳn, trên những con đường trung tâm của xã Thuần Mang (huyện Ngân Sơn) đã vang lên tiếng vó ngựa dội về. Một đoàn ngựa hơn 30 con tập trung trước các cửa nhà dân để chờ “ăn hàng”.
“Hàng” là hàng trăm chiếc can nhựa lớn loại 20 và 50 lít đựng xăng, dầu và nước sạch được chất lên lưng những con ngựa thồ có bắp chân tròn lẳn, bộ móng chắc khỏe. Nhiểu tải chứa gạo, rau xanh, thịt lợn cũng được chất lên lưng ngựa. Cả một đoàn ngựa thồ được chỉ huy bởi bốn lái mã nói tiếng Tày pha lẫn tiếng Kinh.
Mặt trời vừa ló rạng, sau tiếng quát: “Lên đường!” khá dõng dạc của người cầm đầu đoàn lái mã đã tách bầy ngựa ra làm 4. Họ hướng đến những “con đường vàng” – nơi có những điểm khai thác vàng tại các huyện Ngân Sơn, Na Rì. Theo những người dân xã Thuần Mang, đoàn ngựa thồ này đem đồ đi tiếp tế và bán cho các chủ khai thác vàng trong tận rừng sâu.
“Phải dùng ngựa để đi. Đến những điểm này không có đường chính để vào mà buộc phải băng đèo, lội suối. Ngựa thồ là ưu tiên số một” – Ông Đặng Thanh Bình, người dân bản Nà Chúa, xã Thuần Mang nói.
Bám theo một tốp ngựa 8 con, chúng tôi men đường nhỏ vào xã Thượng Ân của huyện Ngân Sơn. Chỉ cách Thuần Mang khoảng 30 km nhưng phải đến giữa trưa, đoàn ngựa thồ mới đến được các bãi vàng Thượng Ân.
Người trong hàng loạt lán trại được dựng ngay cách thủy điện Thượng Ân hơn 100m ào ra. Một chủ bưởng vàng bước ra chỉ đạo dỡ hàng rồi tươi cười với người lái mã: “Nay đến sớm thế là anh em được nhờ. Muốn nhận tiền hay làm vài hòn óng ánh”?
Theo một chủ lái mã, cứ mỗi chuyến hàng vào giao cho các bưởng vàng ngoài xăng, dầu chạy máy xúc, máy bơm và tiếp tế lương thực có khi lời vài triệu đồng. “Cứ hai hôm vào một lần. Ra giá kiểu gì chủ bưởng cũng không từ chối. Nếu thiếu bọn này, các bãi vàng đóng cửa hết” – người lái mã tự hào kể.
“Tiếp tế cho vàng tặc là sai nhưng không thể bắt giữ hay tịch thu hàng hóa của những lái mã bởi họ không buôn bán hàng cấm hay hàng lậu. Có điều chắn chắn là việc khai thác vàng trái phép trong rừng sâu trở nên dễ dàng hơn khi có những đoàn quân ngựa thồ này” – ông Đào Việt Hưng, chủ tịch xã Thuần Mang cho biết.
Người dân bắt tay “vàng tặc”
“Do giá vàng tăng cao đột biến, nhiều người dân may mắn tìm được vàng bỗng chốc giàu có khiến hàng ngàn người khác trở nên lóa mắt. Đó là điều nguy hiểm, bởi người dân đã bắt tay với vàng tặc khai thác ngay trên mảnh đất nông nghiệp nhà mình” – ông Nguyễn Văn Du, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thẳng thắn.
Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Thuần Mang, hai hộ ông Đinh Thiện Nghị và Đinh Thiện Dũng đã khai thác trái phép ngay trên đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra còn hàng chục hộ dân khác cũng đang tiến hành khai thác lén lút.
Trưa 10/11, thâm nhập vào bản Nà Chúa, xã Thuần Mang, chúng tôi phát hiện nhiều máy móc cả máy xúc, máy bơm và sàng vàng được ngụy trang ngay tại hai “ao vàng”. Mặc dù có người lạ, bốn người dân bản Nà Chúa vẫn ung dung đào đãi.
Chuyện người dân bắt tay làm ăn cùng “vàng tặc” không còn là điều mới mẻ ở thôn Khuổi Nộc, xã Lương Thượng, huyện Na Rì bởi từ nhiều năm nay đãi vàng đã được xem là một nghề ở Khuổi Nộc.
Theo ông Dương Văn Sơn, Trưởng thôn Khuổi Nộc, hiện vẫn có tình trạng một số người trong thôn kết hợp với người ngoài mang máy xúc loại lớn vào đào vàng trái phép. “Một bên có máy móc, một bên có đất, cả hai cùng làm ăn và chung chia. Thường thì tỉ lệ 50/50 nhưng cũng có khi chủ bưởng vàng chỉ chia cho người dân 30%” – ông Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Đình Lai, trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Na Rì, việc người dân bắt tay với vàng tặc ngày càng trở nên phức tạp trên địa bàn huyện: “Khi những chủ vàng đưa máy móc vào để khai thác trái phép thì dễ dàng xử lý. Nhưng những đối tượng này chối cãi, rằng chỉ gửi máy nhờ, rồi chờ cơ quan chức năng sơ hở là tiến hành đào vàng. Mặt khác, những người dân lại che giấu khi chính quyền tiến hành kiểm tra nên khó có bằng chứng để xử phạt” .
Ông Nguyễn Đình Lai cũng đặt phép so sánh: “Khi bắt và xử lý vàng tặc nhưng người dân vẫn ham lợi đưa vàng tặc vào khai thác thì không khác gì như con quái vật chặt một đầu, mọc ngay một đầu. Chính quyền không thể làm xuể”.
Thông tin bị rò rỉ?
Theo thống kê của UBND tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn hai huyện Ngân Sơn và Na Rì hiện có hàng trăm điểm khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, những vụ việc bị xử lý chỉ có hơn 50 trường hợp. Nhiều người dân đặt câu hỏi liệu có sự bao che của chính quyền địa phương bởi hoạt động khai thác diễn ra công khai và ngang nhiên?
“Việc tiếp tay cho vàng tặc chắc chắn không chỉ có người dân mà có cả người trong chính quyền. Bởi khi các đoàn thanh, kiểm tra kể cả tổ công tác đặc biệt xử lý nạn khai thác vàng trái phép đến nơi thì tất cả các điểm khai thác đều im ắng. Vấn đề là ai, khâu nào đã tiết lộ thông tin?” – Ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Na Rì thẳng thắn thừa nhận.
Theo ông Nông Văn Kỳ, huyện ủy và UBND huyện Na Rì đã thành lập 4 tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, xử lý việc khai thác trên địa bàn nhưng xử lý được quá ít. “Chưa đến nơi, máy móc phục vụ cho việc khai thác trộm đã được đưa ra ngoài, người thì không còn một ai. Chắc chắn có sự rò rỉ thông tin khi tiến hành kiểm tra. Sắp tới các tổ công tác đặc biệt này sẽ phải hoạt động theo cơ chế riêng và chỉ được báo trước một khoảng thời gian rất ngắn trước khi đi kiểm tra. Thậm chí các tổ này cũng sẽ bị cấm dùng điện thoại để tránh tiêu cực” – ông Kì nói.
Tại huyện Ngân Sơn, do mạng lưới “chim lợn” được các chủ bưởng vàng bày binh dày đặc, việc kiểm tra và xử lý còn khó khăn hơn. Ông Trần Đình Thất, chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn than: “Có khi vàng tặc còn theo dõi mình sát sao hơn mình theo dõi họ”.
Trước tình trạng khai thác vàng trái phép quá ngang nhiên và lộng hành, cùng với UBND tỉnh, tỉnh ủy Bắc Kạn cũng đã phải vào cuộc bằng việc ban hành một loạt Chỉ thị, Thông báo… trong đó có nhấn mạnh rằng nếu Đảng viên có hành vi bao che vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể bị khai trừ Đảng. |