ThienNhien.Net – Không chỉ quy định chặt chẽ danh mục, trách nhiệm của các doanh nghiệp, trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng được bàn tới trong dự thảo thông tư mới về thuốc bảo vệ thực vật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư quản lý thuốc bảo vệ thực vật thay thế Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT.
Dự thảo mới ra đời với mục tiêu loại bỏ những sản phẩm có độ độc cao, tồn dư lâu trong môi trường, đưa ra khỏi danh mục những thuốc bảo vệ thực vật đã lạc hậu, cũng như nâng cao độ an toàn của các loại thuốc bảo vệ thực vật… Nhiều đại diện doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý ở các địa phương đã đề xuất phải xiết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật ngay từ quy định trong văn bản pháp lý.
Từ danh mục thuốc
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện có khoảng 4.000 tên thương mại nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật. Song, điều đáng nói là khoảng 95% loại có tên trong danh mục không được sử dụng nữa. Cùng với đó, trong cơ cấu thuốc bảo vệ thực vật của nước ta, các loại thuốc có độ an toàn cao còn chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chỉ chiếm dưới 20%, loại thuốc có thời gian cách li dưới 7 ngày cũng chỉ chiếm khoảng 13%.
Do đó, theo nhiều chuyên gia, cần thiết phải quản lý chặt chẽ và hạn chế số lượng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục.
Nhiều doanh nghiệp đề xuất, với những loại thuốc có trong danh mục nhưng không còn được sử dụng thì không cần thiết phải khảo nghiệm lại sau 5 – 10 năm như hiện nay. Bởi việc làm này sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, nhà quản lý và đối tượng trực tiếp chịu thiệt lại là người nông dân sử dụng thuốc. Do đó, có thể điều chỉnh quy định sau 2 – 3 năm hay 5 năm mà loại thuốc đó không còn được sử dụng thì loại bỏ ra ngoài danh mục thuốc cho phép nhập khẩu. Đồng thời, phải quy định chặt chẽ việc ghi nhãn trên bao bì, nhất là ghi rõ đăng ký sản phẩm nhập từ nước nào.
Đến người sử dụng
Không chỉ quy định chặt chẽ từ danh mục, các doanh nghiệp nhập khẩu, gia công, chế biến, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng được bàn tới.
Theo dự thảo Thông tư mới, người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi: Sử dụng thuốc tùy tiện, không đúng kỹ thuật khuyến cáo, không đảm bảo thời gian cách ly, để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản vượt mức phép; sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ hay vứt bỏ bao gói thuốc, đổ thuốc, nước thuốc không đúng quy định gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vật nuôi và môi trường.
Dự thảo cũng nêu rõ, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây thiệt hại về vật chất cho người khác sẽ phải bồi thường. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, không nhãn mác. Tình trạng người dân sử dụng thuốc không đúng nồng độ, không đảm bảo thời gian cách li từ lúc phun đến khi thu hoạch như quy định đang khiến cho dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản vẫn còn, đặc biệt là trên rau, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, cần phải gắn trách nhiệm cho người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phải đọc kỹ nhãn thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc trên bao bì để sử dụng đúng cách, đúng liều lượng.
Để giúp người nông dân nâng cao nhận thức, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân sử dụng thuốc đúng cách, an toàn và tăng cường sử dụng các loại thuốc sinh học, đảm bảo chất lượng nông sản.