ThienNhien.Net – Nhiều tháng nay, khắp các tỉnh như Lào Cai, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên… và một số tỉnh thành phía Nam rộ lên “cơn sốt” đỉa. Đỉa được thu mua với giá hời nên nông dân ra sức tìm bắt, thậm chí còn thả nuôi với số lượng lớn. Và đến nay hậu quả đã có thể thấy ở một số địa phương.
Báo Tiền Phong ngày 15/11/2011 phản ánh tình trạng người dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP. HCM) ồ ạt rủ nhau đi bắt đỉa, gom về bán cho đầu nậu. Trong quá trình thu gom nhiều đỉa đã men theo mương dẫn nước trôi ra đồng và khi đầu nậu đột ngột dừng thu gom, các cánh đồng ở đây hiện nay đầy đỉa.
Đây là câu chuyện đã được nhiều chuyên gia dự đoán, khi phong trào thu gom và nuôi đỉa để bán rộ lên ở một số tỉnh thành. Tuy nhiên, điều đáng nói là cảnh báo này dường như chưa được người dân và các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức.
Theo TS Bùi Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viên Nuôi trồng Thủy sản, đỉa là loài động vật rất dễ sinh sôi nảy nở nhưng rất khó tiêu diệt. Việc nuôi đỉa, nếu không kiểm soát được hoặc trong điều kiện thương lái không thu mua nữa có thể dẫn đến việc đỉa tràn lan ra ngoài. Đây là loại động vật ký sinh giả, sống nhờ việc hút máu các động vật có xương sống. Nếu đỉa tràn ra ngoài môi trường tự nhiên, phát triển sinh sôi, hút máu và tiêu diệt các loài động vật khác, có thể dẫn đến mất cân bằng sinh thái.
Đỉa còn là loài vật trung gian, khi ký sinh ở người hoặc động vật có bệnh, đỉa sẽ truyền mầm bệnh đến người hoặc động vật bị nó hút máu. Vì vậy, việc nuôi đỉa, nếu không kiểm soát được còn có nguy cơ gây hại cho người và gia súc.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, ngăn chặn ngay tình trạng này trước khi quá muộn. Bài học về ốc bươu vàng, hải ly, rùa tai đỏ… vẫn còn nguyên giá trị.