ThienNhien.Net – Ngày 31/10 năm nay đánh dấu một sự kiện đặc biệt của Trái đất khi thành viên thứ 7 tỷ ra đời. Trong sự hữu hạn của thế giới, tình trạng dân số gia tăng quá mức thực sự đang trở thành vấn đề mấu chốt ảnh hưởng trực tiếp tới tính bền vững của môi trường và hạnh phúc của nhân loại. Dân số 7 tỷ người đang phải đối mặt với 11 thách thức lớn mà theo Living Planet Report (Tạm dịch là: Báo cáo về Hành tinh Sống) của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), loài người cần có tới 1,5 Trái đất để vượt qua.
Nạn đói
Nạn đói là vấn đề thường xuyên được báo động khi dân số trở nên quá đông đúc. Giờ đây tìm cách nuôi sống 7 tỷ người đã khó, chưa nói đến con số 9 tỷ người được cho là sẽ đạt tới vào năm 2050. Theo thống kê của Tổ chức Liên Hợp quốc (UN), hiện thế giới vẫn còn 1 tỷ người chưa đủ ăn, mà nguyên nhân không phải bởi Trái đất không tạo ra đủ lương thực nuôi sống họ mà bởi sự phân bổ lương thực quá bất hợp lý. Có tới 1/3 lượng lương thực sản xuất được hoặc bị thất thoát từ tay người nông dân, hoặc bị lãng phí bởi các nhà buôn, hoặc là bị người tiêu dùng thải ra bãi rác.
Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) ước tính nếu muốn cung cấp đủ lương thực cho dân số 9 tỷ người, sản xuất lương thực cần phải tăng lên 70%. Thế nhưng, chúng ta phải làm cách nào để sản xuất được nhiều lương thực mà không gây tổn hại thêm đến môi trường? Trước thực trạng đất trồng đang bị xuống cấp như hiện nay, việc sản xuất ra nhiều lương thực hơn khi mà diện tích đất ngày càng bị thu hẹp có lẽ chỉ là viển vông, dù rằng hoạt động quản lý các nguồn tài nguyên như đất, nước… đang dần được củng cố.
Vậy trong tương lai sản xuất quy mô nhỏ hay nông nghiệp sử dụng sinh vật biến đổi gen (GMO) kết hợp dùng hóa chất công nghiệp mới chính là giải pháp bền vững duy nhất? Đây là điều mà đến nay, các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm câu trả lời.
Thiếu nước
Cũng giống như lương thực, việc được tiếp cận nguồn nước sạch đang trở thành mối quan tâm lớn dần trên hành tinh đông đúc của chúng ta. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vẫn còn hơn 800 triệu người trên thế giới hiện không được tiếp cận với nguồn nước sạch, trong khi cứ 3 người lại có 1 người phải chịu đựng tình trạng khan hiếm nước.
Đáng chú ý, không chỉ bộ phận người nghèo mới gặp phải những vấn đề về nước mà khu vực tây nam nước Mỹ, nơi người ta vẫn còn thấy những thảm cỏ xanh tốt nhờ nước trên sa mạc, cũng đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng về nước, mà nguyên nhân chủ yếu vì sự tiêu thụ nước lãng phí và thiếu bền vững của người dân nơi đây suốt những thập kỷ qua.
Bên cạnh tình trạng khan hiếm nước mặt, các chuyên gia còn cảnh báo rằng nước ngầm đang ngày một ít hơn và điều này sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất mùa vụ trong bối cảnh ngành nông nghiệp tiêu thụ tới 70% tổng lượng nước tiêu dùng.
Để ứng phó với các vấn đề liên quan đến nước, một số quốc gia đã bắt đầu hướng đến việc khử mặn nước biển. Tuy nhiên, công nghệ khử mặn hao tốn rất nhiều tiền của, trong khi biến đổi khí hậu rất có thể sẽ còn tiếp tục tăng áp lực lên những khu vực khan hiếm nước.
Tuyệt chủng hàng loạt
Loài người càng tiêu thụ nhiều tài nguyên thì càng đẩy nhanh nhiều loài trong số hàng triệu loài trên Trái đất đi tới bờ vực tuyệt chủng. Nhiều chuyên gia tin là chúng ta đang rơi vào giữa sự kiện tuyệt chủng hàng loạt với tỷ lệ tuyệt chủng được dự đoán cao gấp cả 100 lần, 1.000 lần trước đây. Sách Đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) ghi nhận kể từ năm 1500 đến nay, thế giới đã có 869 loài bị tuyệt chủng, song thống kê trên vẫn còn cách xa con số thực rất nhiều bởi có một lượng lớn các loài có lẽ vẫn chưa được đặt tên, chứ chưa nói là được đánh giá.
Nhìn chung, dân số gia tăng không chỉ đẩy nhiều loài lớn như tê giác, hổ, voi… vào hiểm nguy mà còn đẩy vô số loài có ích cho hệ sinh thái đất, nước, cho việc cô lập các-bon và cho sức khỏe con người tới bờ vực tuyệt chủng. Sự sụp đổ của đa dạng sinh học chính là điềm báo cho sự sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái.
Suy thoái đại dương
Một báo cáo năm 2008 đã dự đoán đến năm 2048, tất cả các quần thể cá trong tự nhiên sẽ biến mất. Năm nay, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt khác lại tiếp tục đưa ra dự đoán về cuộc tuyệt chủng hàng loạt ở khắp các đại dương do lượng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm gây ra.
Lâu nay chúng ta vẫn tin đại dương là nơi vô cùng giàu có các nguồn tài nguyên sinh vật, nhưng thời gian gần đây, đặc tính đa dạng sinh học của các đại dương trên thế giới đang bị giảm sút với tốc độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Cũng trong thời gian này, sự gia tăng lượng phát thải các-bon đã dẫn đến hiện tượng a-xít hóa, đẩy các rạn san hô – hệ sinh thái đa dạng nhất của đại dương – vào tình trạng nguy hiểm, đồng thời mở rộng thêm các vùng chết – các môi trường không đủ lượng ô-xy cần thiết cho sự sống của các loài sinh vật biển.
Theo đó, đại dương trong tương lai có thể sẽ không còn như đại dương của ngày hôm nay, khả năng cung cấp tài nguyên, nhất là thức ăn, của đại dương cho thế hệ tương lai cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Song, hồi chuông cảnh báo ấy vẫn không ngăn được tình trạng đánh bắt cá quá mức, lượng phát thải khí nhà kính vẫn không ngừng tăng và đại dương vẫn là nơi hứng chịu sự ô nhiễm nặng nề từ các hoạt động của con người.
Rừng bị tàn phá
Theo thống kê của FAO thì mỗi năm, thế giới lại mất đi hơn 10 triệu héc-ta rừng (con số lớn hơn diện tích Hungary) và có thêm 10 triệu héc-ta rừng khác bị xuống cấp. Những cánh rừng bị chặt phá vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tất cả dù trực tiếp hay gián tiếp đều liên quan đến vấn đề dân số và tiêu thụ, mà chủ yếu là do sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và hàng hóa.
Khu vực Nam Mỹ đang phải chứng kiến sự thu hẹp của cánh rừng Amazon trước sự mở rộng của các trại chăn nuôi gia súc, các nông trại đậu tương theo hình thức công nghiệp và các cơ sở khai mỏ. Những khu rừng mưa của Indonesia và Malaysia cũng đang ngã xuống, nhường chỗ cho các đồn điền giấy và dầu cọ. Chưa hết, áp lực dân số từ khu vực nông thôn cũng thu nhỏ nhiều vùng rừng ở Philippines và cùng với đó, nhu cầu về gỗ của nước ngoài cũng đang làm những cánh rừng tại Madagascar bị suy thoái, xuống cấp nhanh chóng.
Ngoài ra, nhu cầu năng lượng (nhiên liệu sinh học, dầu khí, thủy điện…) đang tăng dần cũng làm trầm trọng thêm tình trạng phá rừng. Thậm chí, một số ước tính còn cho rằng có tới một nửa số rừng nhiệt đới nguyên sinh trên Trái đất đã biến mất và mức độ phá hủy đang liên tục tăng lên theo từng năm.
Biến đổi khí hậu
Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu mới đây đã đưa ra dự đoán đến năm 2030, nhiệt độ ở các khu vực thuộc Canada, châu Á, châu Âu và Bắc Phi sẽ tăng thêm 2oC. Sự nóng lên toàn cầu sẽ làm tăng mực nước biển, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, gia tăng tần số xuất hiện các đợt hạn hán, lũ lụt, đồng thời dẫn tới tình trạng sa mạc hóa và mất đa dạng sinh học, tạo nên một thế giới mất ổn định và khó lường.
Tuy ít khi được bàn đến nhưng sự gia tăng dân số trên thực tế luôn có mối liên hệ với lượng phát thải khí nhà kính, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế phát triển: 7% số nước giàu nhất tạo ra một nửa lượng khí thải của toàn thế giới. Dân số càng đông, tiêu thụ càng nhiều thì lượng phát thải cũng nhiều hơn, do sự gia tăng của hoạt động đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sản xuất lương thực, phá rừng…
Trên thực tế, những nỗ lực làm chậm sự gia tăng dân số có thể có tác động lớn giúp giảm bớt hiện tượng nóng lên toàn cầu: theo một nghiên cứu mới, tốc độ gia tăng dân số chậm lại có thể giảm 16 – 29% lượng khí thải toàn cầu.
Bùng phát bệnh dịch
Tình trạng đông đúc, nhất là ở các đô thị trên hành tinh của chúng ta, đang diễn biến trầm trọng dẫn đến nhiều áp lực xung quanh vấn đề vệ sinh và y tế. Điều này có thể sẽ châm ngòi hoặc làm trầm trọng thêm cho các đợt bùng phát bệnh dịch.
Tuy những lo ngại về một dịch bệnh nguy hiểm sau cúm gia cầm và cúm lợn đã dần được trấn an, nhưng không có nghĩa là lượng dân số đang tăng không thể khiến bùng phát một đợt dịch mới. Nhiều người vẫn nhận định rằng biến đổi khí hậu có khả năng thay đổi phạm vi bệnh dịch, đưa nhiều chứng bệnh nhiệt đới nguy hiểm sang môi trường ôn đới.
Khan hiếm tài nguyên
Dân số quá đông đúc không những ảnh hưởng tiêu cực đến các nguồn tài nguyên có thể tái tạo, như rừng, đất, mà còn ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên không thể tái tạo.
Khai thác dầu ở mức đỉnh điểm (Peak oil) đã trở thành thuật ngữ phổ biến trong suốt thập kỷ qua. Kể từ khi thế giới dần hướng đến một nền kinh tế không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các công ty năng lượng thậm chí còn tìm tới những địa điểm xa xôi hơn, điển hình là Amazon, Bắc cực, vùng biển sâu, để khai thác các nguồn nhiên liệu hóa thạch mới, gây tổn hại tới nhiều trong số những môi trường nguyên vẹn cuối cùng còn sót lại trên thế giới. Giá năng lượng cao cũng góp phần đẩy giá lương thực tăng cao hơn.
Thêm nữa, với tình trạng khai thác như hiện nay thì tương lai nhiều kim loại quan trọng dùng trong sản xuất như thép, đồng, bạch kim, niken và thiếc sẽ ngày càng trở nên khan hiếm, khó khai thác. Và rồi khan hiếm kim loại sẽ không ngừng đưa giá cả tăng vọt, buộc các công ty khai mỏ phải tìm đến những vùng đất xa xôi hơn để tiếp tục khai thác, khiến ngay chính các khu bảo tồn ở nhiều nơi trên thế giới cũng có thể bị tác động.
Kìm hãm kinh tế
Theo một số dự đoán thì nền kinh tế thế giới sẽ còn giữ được mức tăng trưởng theo hàm mũ và các thế hệ tương lai sẽ còn giàu có hơn chúng ta tưởng. Tuy nhiên, làm sao có thể gia tăng khối lượng tài sản trên một thế giới hữu hạn đang bị khai thác kiệt quệ như ngày nay?
Thực tế, lượng dầu mỏ, than đá, vàng… trên Trái đất đều có hạn, các nguồn tài nguyên có thể tái tạo như cá ở biển, cây trong rừng và đất trồng nếu không khai thác có kế hoạch thì tới một lúc nào đó cũng sẽ không còn.
Chỉ bằng cách phát triển bền vững, loài người mới bảo vệ được các nguồn tài nguyên có thể tái tạo cho thế hệ tương lai. Thế nhưng hiện tại, sự lãng phí và lòng tham của con người đang từng bước vắt kiệt mọi nguồn tài nguyên. Hay nói cách khác, chính việc bùng nổ thói quen tiêu dùng quá mức và lãng phí đã và đang dẫn tới một nền kinh tế thiếu bền vững trong tương lai.
Chênh lệch giàu – nghèo
Hiện trên 1/3 dân số thế giới đang phải sống với dưới 2 USD/ngày, trong khi 1% dân số giàu nhất thế giới lại đang nắm giữ 43% tổng số của cải toàn cầu. Đó là còn chưa kể đến hàng trăm triệu người không có đủ lương thực hay nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản hàng ngày, trong khi theo tạp chí Forbes (Mỹ) thì bước sang năm nay, số tỷ phú trên thế giới đã đạt mức kỷ lục – 1.210 tỷ phú, và họ vẫn đang sở hữu số tài sản trị giá tới 4,5 nghìn tỷ USD.
Nghịch lý là dân số càng đông đúc, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo càng lớn. Hàng triệu người ở các nước đang phát triển đang thiếu những điều kiện vô cùng thiết yếu để sinh tồn, đó là lương thực, nước, chỗ ở, thuốc men, dù rằng đất nước của họ có thể rất giàu có về tài nguyên. Tiếc thay, nguồn tài nguyên ấy thường bị khai thác thiếu bền vững vì nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của các nước giàu.
Giá trị tinh thần mai một
Dân số quá đông trên một thế giới hữu hạn đang thu hẹp một số nhu cầu rất cơ bản của con người. Liệu chúng ta có còn thấy thế giới đẹp đẽ và hạnh phúc khi con cái, cháu chắt của chúng ta chỉ biết đến khỉ đột và tê giác qua những hình ảnh trên Internet, nếu chúng không bao giờ có cơ hội được nếm các loại hải sản tươi ngon hay trải nghiệm sự tĩnh lặng thật sự, hoặc nếu chúng không thể ngắm những vì sao trên trời do ô nhiễm ánh sáng hay bản thân chúng không thể biết đến niềm vui khi đi dạo một mình trong những cánh rừng?
Đây sẽ vẫn là những câu hỏi còn để ngỏ nếu như tương lai dân số còn tiếp tục tăng, gánh nặng còn tiếp tục đè lên Trái đất và các hệ sinh thái dễ tổn thương trên hành tinh này.