ThienNhien.Net – Điều này được tiến sĩ Ngô Tuấn Kiệt (Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng Việt Nam) khẳng định tại Hội thảo quốc tế về Phát triển Năng lượng bền vững lần thứ hai được tổ chức hôm nay (14/11) tại Hà Nội.
Đây được coi là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch của chúng ta đang cạn dần và nhu cầu năng lượng gia tăng mạnh theo đà phát triển kinh tế.
Theo bản Dự thảo quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia VII, nhu cầu về điện được dự báo tiếp tục tăng từ 14-16%/năm trong giai đoạn 2011-2015, khoảng 11,5% giai đoạn 2016-2020 và khoảng 7,4%-8,4% trong giai đoạn 2021-2030.
Từ năm 1998 đến 2009, tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện tăng từ 5.000M đến 18.480MW. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế hàng năm chúng ta cần ít nhất 1.700MW công suất lắp đặt mới hàng năm.
Tại Hội thảo, các ý kiến thống nhất cho rằng để đảm bảo nguồn cung năng lượng, trước mắt Việt Nam cần tập trung phát triển các nhà máy điện gió quy mô lớn đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; đầu tư phát triển năng lượng mặt trời qua hình thức thiết bị đun nước nóng cho các hộ gia đình; tận dụng tối đa nguồn năng lượng sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp, nhất là nguồn rác thải đô thị.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng bền vững của Nga, giáo sư Voropai NI (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho rằng Việt Nam nên có chế định buộc các ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng sử dụng tiết kiệm, áp dụng những công nghệ thân thiện với môi trường, tái cấu trúc lưới điện để giảm thất thoát truyền tải, khi quy hoạch thủy điện nên tối ưu hóa vận hành các hồ chứa, không để ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo của các nhà khoa học về năng lượng của Nga, Đức, Australia, Hàn Quốc và Việt Nam. Ngày mai (15/11) các đại biểu tham dự hội thảo sẽ có chương trình thực địa tại Quảng Ninh.