Nếu không giúp được loài rùa Hoàn Kiếm sinh sản, mọi nỗ lực bảo tồn sẽ vô hiệu

ThienNhien.Net – Là một hình tượng không thể thay thế trong văn hóa tâm linh của thủ đô ngàn năm văn hiến, rùa Hoàn Kiếm còn mang trong mình một sứ mệnh cao cả đối với khoa học và bảo tồn mà ít người biết đến. “Cụ rùa Hoàn Kiếm” đang được các nhà quản lý, các nhà khoa học tận tâm cứu chữa những vết thương trên mình ở giữa trung tâm Thủ đô hiện nay chính là một trong vài cá thể ít ỏi còn lại của loài Rafetus swinhoei (có tài liệu gọi là loài giải Sin-hoe, hoặc giải Thượng Hải) trên quả đất này.

Sự công bố mất loài tê giác Java khiến tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ về tương lai của loài Rafetus swinhoei, về rùa Hoàn Kiếm – một biểu tượng cổ kính và cũng đầy tự hào của người Hà Nội – ở một thời điểm nào đó không xa. Tôi đã may mắn có cuộc trò chuyện với Timothy Mc Cormack, vị Giám đốc trẻ người Anh đang quản lý Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP).

Ảnh: thiennhien.net

– Thưa ông Mc Cormack, liệu ông có thể khẳng định rằng cụ Rùa Hoàn Kiếm mà chúng tôi đang hết lòng hết sức cứu chữa không phải là cá thể rùa cô đơn trên trái đất này? Liệu “cụ ấy” còn có ai đó để làm bạn?

Ông  Mc Cormack: Vâng, nếu bạn muốn hỏi về mặt khoa học thì tôi có thể trả lời rằng hiện trên thế giới còn bốn cá thể Rafetus swinhoei, mà lâu nay ở Việt Nam vẫn quen gọi chung là rùa Hoàn Kiếm. Cùng với cụ rùa Hoàn Kiếm, chúng tôi đã phát hiện thêm một cá thể ở Đồng Mô. Ngoài ra, ở Trung Quốc cũng có hai cá thể nữa.

Tài liệu nghiên cứu xác định rằng vùng sinh sống của loài này ở miền Bắc Việt Nam (từ Nghệ An trở ra) và phía Nam Trung Quốc (từ sông Dương Tử trở xuống). Trong tự nhiên, loài Rafetus swinhoei thường sống ở vùng sông ngòi rộng lớn.

– Ông vừa nhắc đến một cá thể cùng loài với rùa Hoàn Kiếm sinh sống ở Đồng Mô?

Ông Mc Cormack: Vâng, tôi có thể nhấn mạnh rằng cá thể rùa ở Đồng Mô và cá thể rùa ở hồ Hoàn Kiếm là cùng một loài. Đã có công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên Thế giới và Việt Nam, người ta đã phân tích gen trước khi đi đến kết luận đó, và cộng đồng khoa học trên thế giới cũng đã công nhận rộng rãi.

Tuy nhiên, cá thể rùa ở Đồng Mô ít được biết đến bởi nó không có được vị thế về tâm linh, văn hóa và danh tiếng như cụ rùa Hoàn Kiếm. Như tôi thấy, cụ rùa Hoàn Kiếm được đầu tư kinh phí và truyền thông theo sát không kém gì một siêu sao (cười). Sống ở Việt Nam nhiều năm, tôi hiểu các bạn không coi rùa Hoàn Kiếm là một cá thể rùa bình thường, mà là một nhân vật mang tính huyền thoại. Còn cá thể rùa ở Đồng Mô có lẽ vì không có màu sắc huyền thoại này nên chỉ được coi là một con rùa thông thường và cũng vì thế hầu như không được chú ý.

Song, có một điều mà không nhiều người biết, Rafetus Swinhoei được Sách đỏ Thế giới và Việt Nam xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR), nghĩa là nguy cơ tuyệt chủng rất cao.  Trong hội thảo quốc tế về các loài rùa cạn và nước ngọt trên thế giới diễn ra đầu năm nay tại Mỹ, các nhà khoa học và bảo tồn đã xếp rùa Hoàn Kiếm đứng đầu trong danh sách 25 loài rùa cạn và nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Trong bốn cá thể còn lại trên thế giới, hai cá thể đã già, khả năng sinh sản kém. Tiếc là cụ rùa Hồ Gươm là một trong hai cá thể lớn tuổi ấy. Và có một điều đáng tiếc nhất là ở Việt Nam loài Rafetus swinhoei không hề có tên trong danh mục các loài được pháp luật bảo vệ.

Nếu nhớ lại câu chuyện giải cứu rùa Đồng Mô cách đây tròn ba năm, bạn có thể thấy các nhà khoa học và chính quyền địa phương đã vất vả thế nào để vận động người dân thả rùa về tự nhiên.

Rafetus Swinhoei ở Đồng Mô (ảnh: ATP)

– ATP đã phát hiện ra rùa Đồng Mô khó khăn ra sao? Hình như các chuyên gia cũng đã vào tận Thanh Hóa để điều tra?

Ông Mc Cormack: Rùa Đồng Mô được phát hiện năm 2007 . Đồng nghiệp của chúng tôi đã theo dõi và quan sát tại  Đồng Mô suốt 6 tháng để ghi nhận được  cá thể Rafetus swinhoei thứ hai của Việt Nam và chụp được những bức hình đầu tiên. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát, phỏng vấn dọc khắp các hệ thống sông, hồ lớn ở miền Bắc Việt Nam để tìm kiếm dấu vết loài rùa Hoàn Kiếm và môi trường sống của chúng. Thật may mắn khi tới khu vực hồ Đồng Mô,  hầu hết ngư dân ở đó đều khẳng định đã từng nhìn thấy rùa và nhận dạng chính xác loài qua ảnh nên Chương trình Bảo tồn rùa châu Á quyết tâm đầu tư công sức. Việc theo dõi và phát hiện rùa  cũng gặp một số khó khăn vì hồ Đồng Mô có nhiều thực vật thủy sinh, lại có nhiều đảo nhỏ rải rác được trồng cây che tầm nhìn nên không thể quan sát từ một vị trí mà phải chọn nhiều địa điểm quan sát khác nhau.

Ở Thanh Hóa thì không có nhiều bằng chứng, thông tin thu thập được không cao như hồ Đồng Mô, các ngư dân cũng không khẳng định chắc chắn là nhìn thấy rùa, và  thêm một số nguyên nhân khách quan khác nữa nên hiện tại chúng tôi  vẫn đang  tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.

– Tôi cũng nghe nói để vây bắt và cứu chữa cụ rùa Hồ Gươm người ta chi đâu đó trên 400 nghìn đô la. Nhưng hình như chỉ dành riêng cho cụ rùa ở Hồ Gươm và chẳng có một đồng nào trong ấy dành cho việc duy trì loài Rafetus swinhoei. Lẽ nào lỗi chỉ nằm ở khâu truyền thông, còn các nhà bảo tồn và nhà quản lý vô can? 

Ông Mc Cormack: Trong các cuộc hội thảo về việc cứu chữa cụ rùa Hoàn Kiếm, thì đều có sự tham gia của 3 bên là các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu và giới truyền thông. Không chỉ đóng góp ý kiến cho công tác chữa trị cho cá thể rùa Hoàn Kiếm, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á cũng đã nhấn mạnh đến việc bảo tồn loài và kêu gọi các bên cần quan tâm hơn.

Chúng ta không nên quên một điều rằng, cá thể rùa ở hồ Hoàn Kiếm cũng thuộc một loài với cá thể ở Đồng Mô, ở Trung Quốc. Huyền thoại sống có giá trị tinh thần rất lớn nếu một ngày nào đó, nếu cụ rùa không thể trụ lại với thế giới này thì huyền thoại sẽ cũng dần chìm vào quá khứ. Trách nhiệm của chúng ta là phải cố gắng thực sự để giữ được loài rùa Hoàn Kiếm tồn tại, cũng chính là duy trì nòi giống và hình ảnh Cụ rùa.

Mới đây, Bộ Tài nguyên&Môi trường đã tham vấn ý kiến của các tổ chức bảo tồn để lập Dự thảo Nghị định Quy định tiêu chí xác định loài, chế độ quản lý và bảo vệ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bao gồm cả bảo tồn sinh cảnh sống cho chúng.

Dù muộn nhưng ít ra đây là thay đổi đáng ghi nhận, bởi lần đầu tiên các tổ chức phi chính phủ được yêu cầu đề xuất những loài nào cần đưa vào danh sách này. Tiếng nói của những người làm bảo tồn đã đến được với chính quyền và chúng tôi mong rằng chính quyền sẽ giải quyết những vấn đề được đặt ra một cách nhanh chóng hơn.

– Như vậy là ngoài việc phải bảo vệ nghiêm ngặt cá thể rùa ở Đồng Mô, rất cần một cuộc “se duyên” sớm cho “anh ta”?

Ông  McCormack: Vâng, ở Trung Quốc cả hai cá thế đều được nuôi nhốt trong vườn thú Tô Châu. Người ta đã nhiều lần tiến hành nhân giống cho hai cá thể rùa  ấy, với nhiều phương pháp, kỹ thuật cải tiến nhưng các lần thụ tinh đều thất bại. Cá thể cái còn trẻ, xấp xỉ tuổi cá thể ở hồ Đồng Mô, nhưng cá thể đực thì đã quá già nên chất lượng tinh trùng không đảm bảo.

Tôi cho rằng cách hiệu quả nhất và có lẽ là duy nhất để giữ cho rùa Hoàn Kiếm không tuyệt chủng là đôi bên (các nhà bảo tồn Việt Nam và Trung Quốc –  PV)  tiến hành chương trình vay mượn loài, tức là ghép cho cá thể cái ở Trung Quốc và cá thể đực ở Đồng Mô giao phối. Mỗi năm rùa cái đẻ chừng 3 lứa, tổng cộng hơn 100 trứng. Nếu chương trình này thành công, hai nước sẽ chia đôi số rùa con này.

Việc ghép đôi giữa rùa Đồng Mô và rùa ở Tô Châu (Trung Quốc) là việc cần kíp, nếu không tiến hành nhanh chỉ 10-20 năm nữa, chúng ta e rằng không còn cơ hội bảo tồn loài này. Ngay cả khi anh bảo vệ được, nếu không thể giúp rùa sinh sản được thì công tác bảo tồn thất bại.

– Vừa qua một người dân ở Hà Nội bắt được ba ba Nam Bộ mai mềm nhưng lại bán cho thương lái để thu lợi. Việc này gợi cho ông suy nghĩ gì? Liệu có quá khắt khe khi cho rằng không thể chỉ trông chờ vào ý thức của người dân?

Ông Mc Cormack: Rõ ràng không thể chỉ trông chờ vào ý thức của người dân. Trong vụ việc này tôi cho rằng các cơ quan chức năng đã vào cuộc chậm. Không riêng với rùa Hoàn Kiếm, với ba ba Nam Bộ, mà với bất cứ loài nào khi có tin báo, lẽ ra các cơ quan chức năng phải đến ngay, chứ không chờ khi xác định rõ đó là loài nào, có nằm trong danh sách được Việt Nam bảo vệ hay không.

Thực tế là việc thực thi luật bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam chưa chặt chẽ, có những loài nằm trong Công ước về buôn bán Quốc tế các loài nguy cấp (CITES) nhưng không thuộc Nghị định 32(*)  nên không được các cơ quan chức năng quan tâm, mặc dù chúng được bảo vệ theo Nghị định 99 (**).

Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh rằng việc nâng cao nhận thức cho người dân là cực kỳ cần thiết, cùng với việc đề ra những luật lệ chặt chẽ hơn, được thực thi tốt hơn. Nhờ công tác truyền thông, chúng tôi từng nhận được không ít sự giúp đỡ của người dân trong các chương trình bảo tồn rùa. Truyền thông sẽ thay đổi được nhận thức của người dân, sẽ giúp họ hiểu được tầm quan trọng của một loài nào đó đối với đời sống, với môi trường tự nhiên.

 – Vâng, trở lại vấn đề bảo tồn loài Rafetus swinhoei, theo ông cần đầu tư ra sao, cần bao nhiêu tiền? Với tư cách một tổ chức bảo tồn về rùa của châu Á, ATP có thể giúp gì?

Ông Mc Cormack: Để rùa Hoàn Kiếm không bị tuyệt chủng thì việc đầu tư là cần thiết, càng sớm càng tốt. Như tôi đã nói, nếu không đầu tư bảo tồn thì chỉ 10-20 năm nữa, chúng ta không còn loài này để bảo tồn. Chúng ta không chỉ giữ gìn nguồn gen, mà phải giữ gìn cả sinh cảnh sống, quy hoạch thành khu bảo tồn và có khung pháp lý bảo vệ chặt chẽ.

Việc bảo vệ rùa Hoàn Kiếm không nên là việc của riêng ai, nên cần tất cả tổ chức, cá nhân và chính quyền chung tay. Khó khăn lớn nhất giờ đây không hẳn là vấn đề tiền bạc, mà là số lượng cá thể quá ít, chỉ còn 4 cá thể, không hơn, trong đó hai cá thể đã già. Câu chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu không phải là 4 mà là vài chục hoặc vài trăm cá thể.

ATP có thể cam kết hỗ trợ về kỹ thuật, quản lý sinh cảnh sống, và sẵn sàng đứng ra kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc để ghép đôi cho hai cái thể đực cái và đảm bảo số rùa con sinh ra được phát triển tốt.

– Xin cảm ơn ông!

 


*Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm

**Nghị định 99/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản