ThienNhien.Net – Giờ đây, con người đã không còn cơ hội nhìn thấy hổ chó Tasmania (Thylacinus cynocephalus), chim dodo (Raphus cucullatus), chim rẽ lớn (Philomachus pugnax), chim bồ câu viễn khách (Ectopistes migratorius) hay loài cóc vàng (Bufo periglenes) nữa. Những loài này đã trở thành biểu tượng về sự tuyệt chủng. Tuy nhiên, đây chỉ là một số loài tiêu biểu trong cuộc khủng hoảng tuyệt chủng gần đây và theo ý kiến của 538 nhà khoa học bảo tồn từ một cuộc khảo sát thì cuộc khủng hoảng này mới chỉ bắt đầu.
Theo cuộc khảo sát mới đây của tạp chí Conservation Biology, 99,5% các nhà bảo tồn được hỏi cho rằng một sự tổn thất nghiêm trọng về đa dạng sinh học là “có khả năng”, “rất có khả năng” hoặc “gần như chắc chắn”. Những dự đoán về sự suy giảm số lượng các loài không còn là điều xa lạ – từ nhiều thập kỷ trước đây các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nếu cả xã hội vẫn tiếp tục thờ ơ cho rằng mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó thì tự nhiên sẽ phải hứng chịu thảm cảnh tuyệt chủng hàng loạt.
Tuy nhiên, có lẽ kết quả khảo sát gây ngạc nhiên ở sự đồng lòng gần như tuyệt đối của các nhà khoa học khi dự đoán về sự suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu. Chuyên gia nghiên cứu Murray Rudd thuộc Đại học York nhận định: “Mức độ đồng thuận cực kỳ cao của giới khoa học nhấn mạnh tính cấp bách của việc ngăn chặn sự hủy diệt giới tự nhiên”.
Thêm vào đó, gần 80% nhà khoa học được hỏi khẳng định rằng những hoạt động của con người đã và đang làm gia tăng tốc độ hủy diệt các loài. Suy thoái rừng, mất môi trường sống, biến đổi khí hậu, ô nhiễm, sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm hoặc thuốc men của con người là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm đa dạng sinh học của giới tự nhiên.
Cũng theo cuộc khảo sát này, những rạn san hô vùng nhiệt đới đang thể hiện nhiều dấu hiệu tuyệt chủng nhất. 88% số nhà khoa học được hỏi về những rạn san hô – hệ sinh thái biển đa dạng nhất trái đất – đều cho rằng khả năng hệ sinh thái này bị tổn thương nghiêm trọng là “rất có thể” hoặc “gần như chắc chắn”.
Trên thực tế, những dải san hô đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm và nạn khai thác quá mức, và sự gia tăng lượng phát thải khí nhà kính có lẽ là nhân tố tác động mạnh mẽ nhất tới hệ sinh thái này. Sự a-xít hóa đại dương do nồng độ các-bon trong nước tăng làm gia tăng tốc độ vôi hóa của các dải san hô, đẩy hệ sinh thái này đến bờ tuyệt chủng. Thêm nữa, nhiệt độ và mực nước biển tăng do biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân của hiện tượng tẩy trắng san hô dẫn đến toàn bộ hệ sinh thái san hô bị phá hủy.
Cũng theo kết quả khảo sát, khoảng một nửa (50.3%) các nhà nghiên cứu muốn các tiêu chí ưu tiên bảo tồn (conservation triage) được đặt ra. Đây là một ý tưởng được kỳ vọng áp dụng nhằm đánh giá thứ tự các ưu tiên – tựa như thứ tự ưu tiên trong phòng cấp cứu – một cách chặt chẽ hơn, trong bối cảnh các nguồn lực và tài chính dành cho bảo tồn còn hạn chế. Tuy nhiên, ý tưởng này báo hiệu rằng một số loài sẽ “tự do” đi đến bờ tuyệt chủng mà không có một nỗ lực bảo tồn nào bởi tình trạng của chúng được đánh giá là đã quá thảm hại và chỉ lãng phí nguồn lực khi làm việc này.
Theo sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trên 19 nghìn loài động vật hiện đang được đánh giá ở tình trạng sắp nguy cấp, nguy cấp và cực kỳ nguy cấp. Tuy nhiên, Sách Đỏ chỉ đánh giá được khoảng 3% các loài được biết đến của thế giới. Thậm chí, điều đáng báo động là hiện không một ai biết rằng đang có bao nhiêu loài động vật đang sống trên Trái đất. Con số ước tính vào khoảng 3 triệu đến 100 triệu loài, nhưng hiện tại mới chỉ có 2 triệu loài được mô tả.
Dưới đây là hình ảnh một số loài nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp của Sách Đỏ IUCN