ThienNhien.Net – Dành trọn cả một ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề đủ cho thấy mức độ cần thiết và tầm quan trọng của vấn đề này trong chương trình họp mà Quốc hội đặt ra. Xuyên suốt phiên thảo luận ngày 7/11, những đánh giá tích cực dành cho kết quả được ghi nhận trong Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội là rất hãn hữu, đa phần các ý kiến đều tập trung thảo luận về những tồn tại, hạn chế và một số giải pháp nhằm tháo gỡ tình trạng rối bời về ô nhiễm.
“Mổ xẻ” những bất cập
“Cả nước hiện có gần 4.600 làng nghề, trong đó hơn 1.300 làng được công nhận và hơn 3.200 làng có nghề, tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn” là thông số tích cực duy nhất được lặp lại trong bài phát biểu của 7/41 vị đại biểu. Phần còn lại là những thảo luận về hàng loạt tồn tại, bất cập trong việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề trên khắp cả nước.
Trình bày Báo cáo giám sát trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng thừa nhận, rất ít khu kinh tế có khu xử lý nước thải tập trung. Ngay khu kinh tế Chu Lai được thành lập đầu tiên từ năm 2003 đến nay mới bắt đầu triển khai hai nhà máy xử lý nước thải. Ở một số cơ sở, hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh, kiểm tra đến…
Thực trạng ô nhiễm tại các làng nghề cũng rất nghiêm trọng, trong đó hoạt động tái chế kim loại, sản xuất vật liệu xây dựng và gốm sứ đang là những ngành gây ô nhiễm rất lớn với hàm lượng bụi vượt quá 3-8 lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt 6,5 lần. Tại các làng sản xuất, tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, bệnh phụ khoa chiếm 13-38%, bệnh về đường tiêu hóa chiếm 8-30%, bệnh viêm da 4,5-23%, bệnh đường hô hấp 6-18%…
Về nguyên nhân dẫn tới thực trạng nêu trên, hơn 40 ý kiến đã lần lượt phân tích, mổ xẻ những bất cập, yếu kém trong việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật cũng như trong công tác quản lý nhà nước về môi trường ở toàn bộ các khâu từ quy hoạch, cấp phép đầu tư, sản xuất kinh doanh, thanh, kiểm tra cho đến xử lý vi phạm.
Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) dẫn chứng, hiện nay một bãi rác có tới ba ngành cùng quản lý như ngành xây dựng chịu trách nhiệm quy hoạch, ngành công thương quản lý việc thu gom, ngành tài nguyên và môi trường thực hiện xử lý rác. Và chính sự chồng chéo trong công tác quản lý đã khiến các ngành đùn đẩy trách nhiệm xử lý cho nhau.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) bổ sung thêm, khi một doanh nghiệp vi phạm về môi trường, sở tài nguyên và môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh nên đóng cửa doanh nghiệp nhưng khi Sở Kế hoạch Đầu tư đối chiếu với Luật đầu tư, Sở Công thương đối chiếu với Luật thương mại và Sở Điện lực đối chiếu với Luật điện lực thì các biện pháp xử lý lại chồng lấn, đan xen nhau. Do đó, không ít địa phương gặp khó khăn trong việc xử lý vi phạm ô nhiễm.
Không chỉ nảy sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý, việc chậm ban hành các văn bản pháp luật và các văn bản dưới luật cũng thúc đẩy tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo phản ánh của đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), từ năm 2005, Luật đầu tư và Luật bảo vệ môi trường đã ban hành các quy định về khu kinh tế, nhưng phải đến năm 2009 mới có Thông tư về quản lý bảo vệ môi trường, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật lại chưa quy định cụ thể trách nhiệm về bảo vệ môi trường đối với chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu kinh tế hoặc không ít văn bản quy định thiếu nhất quán về khái niệm và cách thức áp dụng thu phí cấp nước và phí bảo vệ môi trường, gây lúng túng trong triển khai thực hiện.
… và đề xuất giải pháp
Cần đầu tư nhiều hơn cho bảo vệ môi trường là ý kiến của một số đại biểu nhằm giảm thiểu và cải thiện thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Có ít nhất 4 ý kiến đã đưa ra đề nghị cần tăng ngân sách bảo vệ môi trường lên 2% so với mức quy định 1% hiện nay.
Lý giải điều này, đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, việc tăng kinh phí môi trường lên 2% tổng giá trị kinh phí ngân sách hàng năm sẽ tạo được cú hích mạnh để ngành tài nguyên môi trường cải thiện cơ sở vật chất, đặc biệt là công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, khi nhận định về vấn đề kinh phí, đại biểu Trương Thái Hiền (đoàn Kiên Giang) lại cung cấp một góc nhìn khác. Ông cho rằng, Thông tư liên tịch số 45 năm 2010 Bộ tài chính và Bộ Tài nguyên & Môi trường quy định khoản kinh phí sự nghiệp môi trường 1% trên tổng chi ngân sách Nhà nước là chỉ dành cho việc quản lý thu gom rác mà không chi vào mục nâng cấp cải tạo kênh, rãnh, hồ lắng và xây dựng bãi rác. Điều này nảy sinh bất cập là thực tế có kinh phí, thậm chí thừa kinh phí bảo vệ môi trường nhưng không chi được. Chẳng hạn như Kiên Giang có khoảng 50 tỷ đồng nhưng thừa 20 tỷ không giải ngân được do không được chi dùng vào các hạng mục nâng cấp, cải tạo.
Ngoài đề xuất sớm hoàn thiện hệ thống văn bản về bảo vệ môi trường và vấn đề kinh phí, nhiều ý kiến cũng đề nghị lập phương án quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế, làng nghề.
Theo đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng), cần quy hoạch làng nghề một cách khoa học, phân loại làng nghề phải dựa vào các yếu tố làng nghề truyền thống, không truyền thống, mức độ ô nhiễm môi trường, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) lại cho rằng, quy hoạch làng nghề phải gắn với phát triển du lịch, xây dựng các thương hiệu và quản lý chất lượng cũng như phải bảo vệ quyền và nghĩa vụ của người dân làm nghề. Từ đó, ông đề nghị lập các Hiệp hội làng nghề.
Một nhóm đại biểu khác thì nghiêng về ý kiến quy hoạch làng nghề cần phải có lộ trình quy hoạch đất để di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư kết hợp đầu tư, nghiên cứu áp dụng các biện pháp khoa học để xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
“Riêng đối với các khu công nghiệp, cần quy định bắt buộc các công ty đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải trước khi cho phép hoạt động, đồng thời thường xuyên phải có báo cáo định kỳ về hoạt động nước thải, rác thải ở các nơi đó” – đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) góp ý.
Ngoài các giải pháp tổng hợp nêu trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn như kiên quyết đóng cửa nếu làng nghề gây ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; công khai thông tin, số liệu và doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, cần tăng mức phạt đối với những hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép.
Khắc phục ô nhiễm là một mục tiêu quốc gia
Trước những quan ngại đầy thách thức trong việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, trong một phiên thảo luận khác sáng 9/11, đa số các đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua và đưa nội dung khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường vào danh sách Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015.
Việc được đưa vào chương trình này cùng với 15 chương trình quan trọng khác sẽ là cơ hội thúc đẩy việc khắc phục và giải quyết vấn nạn ô nhiễm nhức nhối hiện nay.
Được biết, tổng kinh phí dành cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn này sẽ không quá 276.372 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương là 105.392 tỷ đồng, ngân sách địa phương 61.542,5 tỷ đồng, vốn ngoài nước 19.987,5 tỷ đồng, vốn tín dụng 39.815 tỷ đồng, và vốn huy động khác là 49.635 tỷ đồng.