ThienNhien.Net – Trước đây, thủy điện từng được coi là nguồn năng lượng xanh, có thể tái tạo và không phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hồ chứa thủy điện vẫn là một nguồn phát thải khí nhà kính. Và mới đây, kết quả của một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Đông Nam Á về phát thải khí hồ chứa cũng đã khẳng định điều này, gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với các nhà xây dựng đập thủy điện đang cố gắng giành tín chỉ các-bon cho các dự án thủy điện ở khu vực này.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã mất hai năm để tính toán lượng khí nhà kính phát thải từ hai hồ chứa vùng cận nhiệt đới ở Lào là hồ Nam Ngum và Nam Leuk – Đập Nam Leuk chuyển nước từ sông Nam Leuk sang hồ chứa Nam Ngum. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sau khi chặn dòng nước 10 năm, hồ Nam Leuk vẫn phát thải ra lượng khí nhà kính cao tương đương so với các hồ chứa nhiệt đới khác.
Lượng các-bon hồ Nam Leuk thải ra hàng năm – bao gồm lượng khuyếch tán vào khí quyển từ hồ chứa và cả từ khu vực hạ lưu – lên tới 2,2 ± 1,0 gigagrams. Mặc dù thấp hơn nhiều so với lượng phát thải khí của các nhà máy nhiệt điện nhưng con số này cũng tương đương lượng khí thải từ việc sử dụng điện của hơn một nghìn hộ gia đình Mỹ.
Được ngăn đập từ năm 1971, đến nay Hồ Nam Ngum vẫn là một nguồn phát thải carbon. Trên thực tế thì việc loại bỏ sinh khối trước khi xây đập không hề làm giảm lượng khí nhà kính phát thải từ các hồ chứa như những kỳ vọng trước đây. Hồ Nam Leuk được ngăn đập vào năm 1999 sau khi đã phát quang và đốt cháy một phần cây cối xung quanh còn hồ Nam Ngum được dẫn đầy nước mà không loại bỏ lượng sinh khối đáng kể nào.
Nghiên cứu mới này có vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung thông tin vào kho dữ liệu về các đập thủy điện ở Đông Nam Á. Đến nay, các nghiên cứu về phát thải khí ở các hồ chứa đa phần được tiến hành ở Brazil, một vài dự án khác ở Panama và Guiana (Pháp) và một số ít ở các vùng ôn đới. Đây là nghiên cứu về phát thải khí hồ chứa đầu tiên thực hiện ở khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu này quan trọng không chỉ vì lượng thông tin về phát thải khí ở các hồ chứa của khu vực này còn khan hiếm mà còn vì hàng loạt đập thủy điện đang được xây dựng ở Đông Nam Á trong khi dấu chân carbon tiềm tàng của các hồ chứa mới không được xem xét đầy đủ.
Nghiên cứu này còn vô cùng có ý nghĩa khi chứng minh rằng các hồ chứa vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á có thể là nguồn phát thải carbon lớn trong vài thập kỷ tới. Kết quả của nghiên cứu này cũng hỗ trợ cho các nghiên cứu từng kết luận rằng các hồ chứa nhiệt đới là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể và rằng tuổi thọ hồ chứa cũng là một nhân tố quan trọng trong việc xác định lượng các-bon thải ra. Trước nghiên cứu này, người ta giả định rằng lượng phát thải khí các-bon của các hồ chứa sẽ giảm một vài năm sau khi tích nước. Tuy nhiên, trường hợp hồ Nam Leuk là một minh chứng cho thấy rằng các đập nước chục năm tuổi vẫn có thể là một nguồn phát thải carbon đáng kể.
Đồng thời, nghiên cứu này còn liên quan mật thiết tới Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism-CMD), nhất là khi số lượng các dự án ở khu vực Đông Nam Á tham gia “Cơ chế phát triển sạch” đang tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở Việt Nam, ở Lào và Cam-pu-chia con số các dự án cũng đang ngày một nhiều thêm.
Bởi lẽ, mục đích của các dự án CDM là giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu, nhưng nếu các dự án ở vùng nhiệt đới lại có nguy cơ thải ra lượng các-bon lớn trong 10 năm vận hành đầu tiên thì sẽ có nhiều câu hỏi được đặt ra. Giả như, các dự án này xứng đáng nhận bao nhiêu tín chỉ các-bon và liệu có cần áp những quy định nghiêm ngặt hơn về lượng phát thải hồ chứa trong CDM không?
Hiện nay, CDM giải quyết vấn đề phát thải khí nhà bằng cách tính toán mật độ công suất (energy density) của các đập thủy điện – công suất thiết kế tính trên diện tích hồ chứa. Theo đó, những dự án có mật độ công suất trên 10W/m2 được cho là phát thải lượng khí không đáng kể. Cho đến nay, cách tính toán này đã giúp các đập thủy điện vùng nhiệt đới thoát khỏi danh sách khu vực phát thải khí các-bon cao của CDM, đồng thời cũng giúp các nhà phát triển dự án khẳng định dự án của họ không phát thải khí nhà kính, củng cố huyền thoại cho rằng thủy điện là nguồn năng lượng sạch không ô nhiễm.
Với kết quả của nghiên cứu này, đã đến lúc các thể chế toàn cầu chịu trách nhiệm về giám sát khí thải như IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu) và UNFCCC (Các bên tham gia công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu) cần bắt đầu nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về các hồ chứa thủy điện vùng nhiệt đới bằng cách yêu cầu các quốc gia đưa chúng vào danh sách các nguồn phát thải khí nhà kính.